Chuyển đổi khu công nghiệp xanh: khởi đầu hành trình

VTV Digital-Thứ năm, ngày 01/08/2024 09:46 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái.

Thực tế, hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đặt ra các tiêu chí về ESG đối với các khu công nghiệp. Điều này cho thấy việc chuyển đổi xanh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp không còn là lựa chọn, mà là xu thế tất yếu.

Không phải cuộc đua nước rút, hành trình chuyển đổi và phát triển khu công nghiệp xanh được xem như cuộc chạy đua marathon đường dài. Và Việt Nam thì đang ở điểm khởi đầu của hành trình. Và như một vận động viên ở đầu cuộc đua nào thì bao giờ cũng là thời điểm sung sức nhất cả về thể chất lẫn tinh thần.

Giải ngân vốn FDI nửa đầu năm cao kỷ lục gần 11 tỷ USD. Cam kết đầu tư mạnh mẽ từ các nhà sản xuất lớn. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải thiện, hoàn thành 1.300km cao tốc trong 3 năm 2023-2025. Nhận thức về môi trường ngày càng tăng, nhu cầu tăng cao từ các nhà đầu tư quốc tế thúc đẩy chuyển đổi xanh khu công nghiệp. Theo JLL Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp đang là phân khúc có nhiều toà nhà đạt chứng nhận xanh nhất chiếm 71%.

Ví dụ tại một khu công nghiệp đạt chuẩn xanh thì dành 10% diện tích đất để xây dựng cảnh quan và cây xanh. Các vật liệu xây dựng nhà xưởng bê tông, sắt thép, có ít nhất 10% hàm lượng tái chế. Việc sử dụng điện năng từ các tấm pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện đến 70%. Đại diện khu công nghiệp cho biết việc áp dụng các tiêu chuẩn như LEDD trong khu công nghiệp xanh giúp tiết kiệm chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Đây là yếu giúp tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyển đổi khu công nghiệp xanh: khởi đầu hành trình - Ảnh 1.

Việc sử dụng điện năng từ các tấm pin năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm điện đến 70%. Ảnh Reuters

Hiện việc thực hiện các cam kết xanh hóa đang được thực hiện từ cấp độ doanh nghiệp sản xuất đến nhà đầu tư phát triển bất động sản công nghiệp.

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết: "Đây cũng như một cái tiêu chuẩn mới để các bên cùng cạnh tranh và tham gia vào thị trường bất động sản khu công nghiệp. Và các chủ đầu tư phát triển khu công nghiệp họ phải hiểu đây là một xu hướng và xu hướng bắt buộc phải xảy ra".

Theo quan sát, hiện các nhà đầu thứ cấp quan tâm về phát triển xanh trong các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, AI đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Các tập đoàn này đặt ra các yêu cầu rất cao về nguồn năng lượng điện, xử lý nước thải.

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng giám đốc, CTCP đô thị Amata Hạ Long cho hay: "Họ quan tâm là khu công nghiệp có đầu tư nguồn năng lượng tái tạo hay không, như điện áp mái hay điện gió, và cái tỷ lệ của nó chiếm bao nhiêu phần trăm trên nguồn điện mà chúng tôi cấp cho họ".

Theo Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), với chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Và đầu tư cho khu công nghiệp xanh thì còn cao hơn nữa. Trước lo ngại vốn đầu vào cao sẽ khó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, các doanh nghiệp cho biết, dù "đắt nhưng xắt ra miếng".

"Khi mà mình đã đạt được chứng nhận xanh thì các nhà đầu tư rất yên tâm, họ vào tin tưởng mình thì so với chi phí bỏ ra thì cái được mình được hơn rất là nhiều", ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành Công ty SLP Việt Nam cho hay: "Việc chuẩn hóa các chứng nhận xanh cho các dự án trong tương lai sẽ gặp nhiều thách thức (chi phí đầu tư, trình độ chuyên môn của đội ngũ xây dựng về thiết kế và thi công các công trình xanh…). Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng lợi ích lâu dài về môi trường, kinh tế và phúc lợi mà nó mang lại cho nhân viên, khách hàng, cộng đồng cũng như sự phát triển tổng thể của quốc gia sẽ vượt xa những khó khăn ngắn hạn đó".

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cho biết, đang có kế hoạch triển khai phát triển theo hướng cộng sinh công nghiệp, nghĩa là vừa làm khu công nghiệp vừa đầu tư nguồn năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện gió, điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Hiện việc chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp chủ yếu đến từ sự chủ động và nhận thức của các chủ đầu tư khi áp dụng các tiêu chuẩn như LEED, hoặc LOTUS. Việt Nam hiện đang có Nghị định 35 với các quy định tiếp cận gần hơn với các tiêu chí ESG. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phát triển bền vững các mô hình khu công nghiệp xanh thì Việt Nam cần những chính sách rõ ràng, cụ thể hơn.

Rõ ràng hành lang pháp lý cho khu công nghiệp xanh

Chuyển đổi khu công nghiệp xanh: khởi đầu hành trình - Ảnh 2.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đặt ra các tiêu chí về ESG đối với các khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Năm 2018, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là 1 trong 2 mô hình thí điểm làm khu công nghiệp sinh thái tại TP Hải Phòng. Việc chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái gặp nhiều vướng mắc về luật pháp khi quy trình chuyển đổi này liên quan đến rất nhiều bộ luật: Luật Quy hoạch, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Đầu tư...

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho biết: "Trong Luật Môi trường có điều 142 nói về kinh tế tuần hoàn nhưng chỉ có mấy dòng, còn kinh tế tuần hoàn muốn làm được thì nó liên quan đến rất nhiều luật. Chính vì vậy tiếp theo Chính phủ cần có một nghị định hoặc luật để phát triển công nghiệp hoặc luật kinh tế tuần hoàn để chúng ta có thể hoàn thiện hơn được hành lang pháp lý cho tất cả các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ áp dụng một số ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư xanh trong các dự án của mình. Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành Công ty SLP Việt Nam cho biết: "Có thể nói những chính sách về năng lượng tái tạo gần đây của Chính phủ Việt Nam là một khởi đầu rất tốt cho quá trình phát triển xanh của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cần cải thiện các tiêu chuẩn về ESG và bền vững của Việt Nam để trở nên cụ thể và rõ ràng hơn".

"Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam năm ngoái và tập trung vào phát triển khu công nghiệp cao cấp theo tiêu chuẩn xanh, và tích hợp với các công nghệ hiện đại. Ở Singapore chúng tôi được hỗ trợ khá tốt các khoản vay tài chính xanh. Nhưng tôi thấy tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra việc ưu đãi thuế sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn lực tái đầu tư", ông Ben Ding Khoon Yew, Đại diện Tập đoàn Soilbuild Singapore tại Việt Nam cho hay.

Trong cuộc chạy đua marathon này, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... khi Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có hiệu quả nhất về chi phí đầu tư và tiềm năng, cơ hội phát triển. Do vậy dù đang ở giai đoạn khởi đầu nhưng chắc chắn chúng ta không thể chậm bước.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec cho biết: "Hiện nay các Bộ ngành và Chính Phủ đã rất ủng hộ việc phát triển xanh! Vấn đề quan trọng nhất bây giờ chính là quyết tâm của nhà đầu tư và quyết tâm của chính quyền địa phương".

Trước xu hướng mạnh mẽ này, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang tham mưu Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, tư tưởng xuyên suốt của luật là nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách lớn liên quan đến phát triển kinh tế; đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý ở tầm cao mới để điều chỉnh tất cả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế trong đó có việc phát triển khu công nghiệp xanh tại Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước