Điều chỉnh lương hưu tối thiểu và mức đóng tối đa
Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia BHXH bắt buộc là bằng mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng. Do đó, mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Khi bỏ lương cơ sở, Chính phủ phải có hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu tối thiểu cho hệ thống BHXH áp dụng. Đây là chính sách ảnh hưởng đến nhiều người đang hưởng lương hưu ở mức thấp nên được nhiều người quan tâm.
Lương hưu tối thiểu của người lao động phải được quy định lại (Ảnh minh họa: Hải Long).
Ngoài ra, hiện Luật BHXH quy định mức lương làm căn cứ đóng BHXH tối đa bằng 20 lần lương cơ sở, tức là 36 triệu đồng. Trong trường hợp lương của người lao động cao hơn 36 triệu đồng thì hệ thống BHXH cũng chỉ ghi nhận mức lương làm căn cứ đóng BHXH chỉ là 36 triệu đồng.
Do đó, khi bỏ lương cơ sở, Chính phủ cũng phải có quy định mới cho mức lương tham gia BHXH tối đa.
10 khoản trợ cấp BHXH phải thay đổi
Trong chế độ BHXH hiện có 10 khoản trợ cấp được tính toán căn cứ trên mức lương cơ sở. Khi bãi bỏ căn cứ tính toán này thì phải có hướng dẫn mới trước ngày 1/7 để BHXH có căn cứ chi trả trợ cấp cho người lao động.
Thay đổi mức đóng BHYT
Hiện ngoài nhóm tham gia BHYT theo mức lương trên hợp đồng lao động, các nhóm khác đều đóng BHYT căn cứ trên mức lương cơ sở, trong đó có 2 nhóm chủ yếu là người tham gia BHYT theo diện hộ gia đình và học sinh - sinh viên.
Phải xác định căn cứ mới để tính mức đóng BHYT (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Hiện nay, mức đóng BHYT cho hộ gia đình được tính theo số người tham gia. Người đầu tiên trong hộ sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở. Các thành viên tiếp theo có mức đóng giảm dần: người thứ hai đóng 70%, người thứ ba đóng 60% và người thứ tư đóng 50% so với mức đóng của người đầu tiên. Kể từ người thứ năm trở đi, mức đóng giảm xuống còn 40%.
Đối với học sinh - sinh viên, mức đóng hàng tháng là 4,5% mức lương cơ sở, với sự hỗ trợ 30% từ ngân sách nhà nước và 70% còn lại do cá nhân tự đóng.
Từ ngày 1/7 thực hiện cải cách tiền lương, Chính phủ sẽ có hướng dẫn mới cho mức đóng này.
Điều chỉnh điều kiện hưởng mức chi trả 100% BHYT
Ngoài một số nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được hưởng chế độ BHYT chi trả 95%-100% chi phí khám chữa bệnh, những nhóm còn lại chỉ được BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, những nhóm này vẫn có cơ hội được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh khi tham gia BHYT 5 năm liên tục.
Cụ thể, để được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện.
Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên (tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám chữa bệnh).
Thứ hai, có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục).
Tức là trong năm, nếu số tiền khám chữa bệnh mà người bệnh đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán.
Từ 1/7, khi bãi bỏ lương cơ sở thì phải có một căn cứ khác để xác định người bệnh đủ điều kiện thứ 2 trong 2 điều kiện trên.
Cách xác định điều kiện để người bệnh hưởng BHYT 100% cũng sẽ thay đổi (Ảnh minh họa: Tùng Nguyên).
Ngoài trường hợp trên, người tham gia BHYT còn được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở. Quy định này cũng phải được điều chỉnh từ ngày 1/7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!