Chi phí ngoài luồng khiến doanh nghiệp chậm lớn

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 10/01/2019 06:01 GMT+7

VTV.vn - Thực tế doanh nghiệp vẫn phải "lót tay", chung chi những khoản phí ngoài quy định. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp Việt chậm lớn.

18% doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí ngoài quy định. Chi phí "lót tay" được chi trả nhiều nhất cho thủ tục thông quan với hơn 83% ở khâu kiểm tra hồ sơ và 87% ở khâu kiểm tra thực tế hàng hóa.

Theo báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018, có tới 40% các đại lý hải quan cho biết phải chi trả thêm chi phí ngoài quy định, tỷ lệ này với các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lần lượt là 28% và 21%.

212 doanh nghiệp có chi trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục tại các bộ ngành trong đó: Bộ Công Thương là 51%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 34%; Bộ TN&MT và Bộ Giao thông vận tải là 23%.

Nếu không nộp phí lót tay, điều gì sẽ xảy ra? 93% doanh nghiệp bị kéo dài thời gian, 69% gặp khó khăn trong lần tiếp theo. Ngoài ra, có thể bị đòi hỏi thêm chứng từ ngoài quy định hoặc gặp thái độ trao đổi không văn minh.

Đây là những con số về kết quả khảo sát mức độ hài lòng khi thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu vừa được công bố. Khảo sát này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan và USAID thực hiện trên 3.061 doanh nghiệp. Về cơ bản, mức độ hài lòng của doanh nghiệp được nâng lên đáng kể so với năm 2015. Tuy nhiên, các khoản chi phí ngoài quy định vẫn còn cao có thể là một trong những rào cản tác động lớn đến cơ hội phát triển của doanh nghiệp Việt.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 3 vấn đề các doanh nghiệp mong muốn các cơ quan nhà nước cần gấp rút thực hiện là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính và tăng cương quan hệ đối tác doanh nghiệp - hải quan. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cần tăng cường công khai minh bạch, nâng cao kỷ cương và năng lực cán bộ, cải thiện cơ sở vật chất cũng là mong muốn của các doanh nghiệp. Sự hài lòng của doanh nghiệp chính là thước đo chính xác nhất cho hiệu quả của chính sách cải cách.

Trước thực tế doanh nghiệp vẫn còn phải lót tay, chung chi những khoản phí ngoài quy định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp Việt chậm lớn.

Xuất nhập khẩu có thể coi là thủ tục "chào hỏi" của mỗi quốc gia với thế giới, nếu mức hài lòng của doanh nghiệp còn thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh và các nỗ lực cái cách kinh tế bền vững của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước