Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, mỗi ngày hệ thống thanh toán liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng, trong đó 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên quen thuộc đối với người dân. Vì vậy, các đơn vị trung gian thanh toán cũng đưa ra các giải pháp đảm bảo giao dịch được thực hiện thông suốt và an toàn, đặc biệt trong dịp cuối năm khi lượng giao dịch tăng cao.
Phòng tập này đang đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, nên lượng khách hàng đến cũng đông gấp đôi, gấp ba ngày thường. Có thời điểm, họ phải thực hiện thanh toán cho hơn chục khách hàng cùng lúc. Hệ thống thanh toán số giúp họ dễ dàng quản lý, kịp thời phục vụ lượng khách tới.
Chị Tạ Thị Kim Thuý - Quản lý Phòng tập EMS Yoga & Fitness cho biết: "Việc thanh toán nhanh hơn giúp khách hàng rút ngắn thời gian chờ đợi, cải thiện chất lượng dịch vụ bên tôi".
Các điểm thanh toán quan tâm đến tốc độ thực hiện giao dịch. Còn khách hàng, họ quan tâm đến tính bảo mật. Thời gian gần đây, chị Dương thường lựa chọn hình thức thanh toán không chạm qua điện thoại di động. Chị cảm thấy an tâm hơn khi thông tin thẻ đã được mã hoá trên thiết bị.
Chị Lê Quỳnh Dương - Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội chia sẻ: "Vì thanh toán bằng điện thoại, tôi cảm thấy an tâm hơn vì điện thoại có password riêng, nên không lo có ai đó đăng nhập được vào hay sử dụng thanh toán".
Trong năm 2024, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đạt hơn 17 tỷ giao dịch. Một số đơn vị trung gian cũng triển khai các giải pháp thanh toán số cho các cửa hàng nhỏ, hộ kinh doanh để tiết giảm chi phí vận hành. Hiện đã có đến 10.000 điểm thanh toán sử dụng giải pháp này. Trong thời gian tới, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán tiếp tục phát triển phần mềm, như thêm tính năng thanh toán qua mã QR cho người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!