Đa số các đại biểu đều tán thành cần phải có một dự án luật riêng để quản lý phần vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, để các doanh nghiệp phát huy được lợi thế, tận dụng cơ hội phát triển.
Các đại biểu đồng tình với việc những cơ chế quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước cách đây 10 năm đã lỗi thời, giống như một "chiếc áo đã chật" không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển. Doanh nghiệp cần một chiếc áo mới và rộng hơn. Vì vậy, dự thảo luật mới đã có nhiều điểm "đột phá" để doanh nghiệp có vốn nhà nước phát triển như cơ chế nhà nước chỉ là một nhà đầu tư vốn, để doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
"Doanh nghiệp nhà nước muốn có cơ chế như doanh nghiệp tư nhân. Còn doanh nghiệp tư nhân đứng ngoài nhìn vào thì bảo là sướng như doanh nghiệp nhà nước. Nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn không sướng gì, rất nhiều các quy định. Phải cho họ có quyền tự chủ, tự quyết, tránh chúng ta quản quá chặt lâu nay rất khó cho doanh nghiệp nhà nước trong quá trình phát triển", đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề xuất.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: "Vốn đã giao cho doanh nghiệp rồi thì là vốn của doanh nghiệp. Cho nên, việc sử dụng vốn của doanh nghiệp trong đầu tư thì hạn chế bớt những quy định mà sử dụng Luật Đầu tư công. Vì trong kinh doanh yếu tố thời cơ là quan trọng, tôi đề nghị phân cấp, phân quyền rõ hơn cho đại diện cơ quan vốn nhà nước".
Các đại biểu cũng kiến nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước thay vì chỉ là 100% vốn. Dòng tiền của Nhà nước đi tới đâu thì nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, việc quản lý chỉ dựa theo tỉ lệ sở hữu vốn cổ phần, tránh tình trạng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!