Thiếu cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 07:21 GMT+7

VTV.vn - Nhiều quy định chưa hợp lý trong sử dụng vốn nhà nước đang làm giảm cơ hội phát triển của các doanh nghiệp này.

Hàng loạt quy định chưa hợp lý trong sử dụng vốn nhà nước như việc phân chia quản lý tài sản, tài nguyên trong cùng một hệ thống vận hành doanh nghiệp đã khiến không ít kế hoạch đầu tư phát triển của nhiều doanh nghiệp nhà nước bị đình trệ, thậm chí không thể triển khai trong nhiều năm. Có vốn nhưng lại không thể đưa vào sản xuất kinh doanh đang làm giảm cơ hội phát triển của các doanh nghiệp này.

Những khu đất trong nhà ga đường sắt không được khai thác; hệ thống hạ tầng, đường ray lạc hậu; đầu kéo tàu hỏa vẫn chưa được đổi mới nhiều… đó chỉ là số ít những nguyên nhân khiến ngành đường sắt Việt Nam trong nhiều năm nay đều đạt mức tăng trưởng thấp.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt cho biết, vướng mắc nhất nằm ở chỗ cơ quan nhà nước quản lý phần hạ tầng, nhà ga, còn doanh nghiệp chỉ được quyền khai thác.

Thiếu cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

Sau nhiều năm, nhiều dự án của Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam phải thi công dở dang và tạm dừng thì nay cơ chế được tháo gỡ, các dự án trong kế hoạch đã tiếp tục được triển khai.

Ông Trương Việt Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho biết: "Quan trọng nhất là chuyển giao được tài sản và nâng vốn của VEC từ 1.000 tỷ lên 45.000 tỷ đến năm 2025. Đây là điều kiện để chúng tôi cơ cấu lại và triển khai các dự án hiện hữu cũng như dự án mới trong tương lai"

Tổng vốn chủ sở hữu (hợp nhất) của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khoảng 1,17 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn và nếu như được quản lý, sử dụng có hiệu quả thì không chỉ phát huy được nội lực trong nước mà còn giảm áp lực nợ nước ngoài. Vấn đề rất cần những cơ chế vừa thông thoáng vừa đặc thù cho các doanh nghiệp này.

Hiện tổng tài sản hợp nhất của các tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 2,45 triệu tỷ đồng. Do đó,việc quản lý là cần thiết nhưng vẫn nên đặt tính hiệu quả là ưu tiên hàng đầu. Đây không chỉ là động lực mà còn là tương lai tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp nhà nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước