Đến hết tháng 10 năm nay, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 63.500 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến hết tháng 10 năm nay, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông Vận tải đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân này gấp hơn 2,2 lần giá trị, tương đương với tăng hơn 16%.
Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chiếm hơn 60% tổng kế hoạch vốn của Bộ Giao thông Vận tải. Trong 10 tháng qua, dự án giai đoạn 1 (2017 – 2020) đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng, đạt 69%; dự án giai đoạn 2 giải ngân hơn 33.200 tỷ đồng, đạt 72%.
Nếu trước đây, kế hoạch giải ngân được căn cứ trên tiến độ triển khai dự án thì năm nay, đứng trước kế hoạch vốn rất lớn khoảng 95.000 tỷ đồng, Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc rà soát, điều hòa vốn cũng được thực hiện thường xuyên giữa các dự án giải ngân chậm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Từ đầu năm tới nay, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh kế hoạch 7 đợt cho 71 dự án với giá trị vốn điều chỉnh 4.463 tỷ đồng. Việc điều hòa vốn được các chủ đầu tư ưu tiên cho các dự án quan trọng, cấp bách.
Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, áp lực giải ngân đang từng bước được hóa giải ở dự án giao thông là nhờ các chủ đầu tư, nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công sát với thực tiễn công trường. Khó khăn về thời tiết, thiên tai đã được chủ động nhận diện. Thay vì đưa dự án vào thế bị động, các hạng mục công việc triển khai trong thời gian thời tiết bất lợi đã được đề ra rõ ràng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!