Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 6/11, Quốc hội tiến hành Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhóm vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu và cũng đã được lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp.
Giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10 đạt hơn 430.600 tỷ đồng, xấp xỉ 57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Từ giờ đến cuối năm, chỉ còn 2 tháng, trong khi, lượng vốn còn lại phải giải ngân là rất lớn (khoảng 300 nghìn tỷ đồng). Đẩy nhanh tiến độ giải ngân là vấn đề làm nóng nghị trường chiều 6/11.
Ông Hà Đức Minh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Lào Cai, đặt câu hỏi: "Nhiều cử tri cho rằng việc triển khai các dự án đầu tư công chậm là do phải xong phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì mới triển khai thực hiện được dự án. Xin Bộ trưởng cho ý kiến".
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: "Giải phóng mặt bằng thì tôi cho rằng cần phải tách ra khỏi dự án, xem như một dự án đầu tư. Khi chúng ta cần cộng lại để quyết toán dự án thì chỉ cần cộng hai khoản. Một là xây dựng, hai là giải phóng mặt bằng. Vốn chuẩn bị đầu tư thì không nên trói vào Luật Đầu tư, nên cho dùng chi thường xuyên để giao cho các bộ ngành, lập dự án đầu tư".
Với riêng Bộ Giao thông vận tải, trong kì trung hạn 2021 - 2025, Bộ được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300 nghìn tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Tuy nhiên, có 3 dự án ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư cao. Nguyên nhân là thời gian khảo sát, thiết kế dự án đúng vào khi dịch bệnh bùng phát, dẫn đến khảo sát chưa sát với thực tế.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nói: "Nguyên nhân đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm và xử phạt nhà thầu ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định kiểm điểm và xem xét trách nhiệm, nhất là xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn".
Các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn, chủ yếu dùng vốn đầu tư công, nên cần huy động thêm các nguồn khác như vốn ngân hàng để thực hiện. Song, các đại biểu cho rằng, huy động từ nguồn này không dễ, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tháo gỡ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các dự án cơ sở hạ tầng giao thông cần khối lượng vốn rất lớn và với kỳ hạn dài, trong khi, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là vốn huy động ngắn hạn, nên việc cho vay với khối lượng lớn và dài hạn cũng bị ràng buộc.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết: "Tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nợ xấu chiếm 3,83%, đáng chú ý nữa, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52% - đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu. Do vậy, chính sách huy động vốn cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài".
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Công điện số 09 về việc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% của năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!