Ba ngày lưu trú tại Đảo Rều (hay còn gọi là Đảo Khỉ - Quảng Ninh) giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc sống của khỉ và những đóng góp âm thầm của chúng cho ngành Y tế nước ta. Đồng thời, chúng tôi cũng có những trải nghiệm độc đáo khi chứng kiến sự thông minh, tinh nghịch của loài linh trưởng này.
Hiến thân cho khoa học
Theo bác sĩ Vũ Công Long, Đảo trưởng, khỉ nuôi trên đảo Rều có tên khoa học là Macaca Mulallata, còn gọi là khỉ vàng. Vì cơ địa khỉ vàng gần giống với con người, nên chúng là vật thí nghiệm để thử phản ứng các loại vaccine: bại liệt, H5N1, H1N1, COVID – 19… trước khi tiêm vào con người. Hàng năm, trên đảo có từ 100 - 300 con khỉ được chọn lọc dùng để chiết xuất vaccine, mỗi con chiết được gần một triệu liều. Để tưởng nhớ những con khỉ đã hiến thân cho y học, Đảo trưởng Long đã xin phép và xây dựng một khu tưởng niệm khỉ, có cả bia đá ở nơi trang trọng nhất trên đảo từ năm 2011.
Bia tưởng niệm những chú khỉ đã hiến thân cho khoa học
Hiện nay, đảo Rều có hơn 1.000 con khỉ, mỗi năm chúng cho ra đời khoảng 150 khỉ con. Khỉ thường sống theo đàn khoảng 30 - 50 con/đàn, mỗi đàn có một khỉ chúa là con khỉ đực to lớn và có sức khoẻ nhất trong đàn. Mỗi khỉ chúa thường sở hữu đến 3 - 4 khỉ cái. Những cuộc "bầu chọn" khỉ chúa trên đảo là cuộc đọ sức ác liệt đến rợn người của đám khỉ đực. Kẻ chiến thắng đảm đương trách nhiệm bảo vệ cả đàn, nó có quyền sở hữu bất kỳ nàng khỉ cái nào mà nó thích.
Ông Long cho biết, loài linh trưởng này cũng biết thể hiện đủ cả "hỉ, nộ, ái, ố" như con người và tình yêu của chúng thật mãnh liệt mà chắc chẳng còn loại thú nào trên đời có thể sánh được. Gần 20 năm trước, các cán bộ trên đảo muốn chia đàn khỉ ra hai nơi, nên họ đưa một số khỉ ra đảo Rều Đá, nằm cách đảo Rều khoảng 1km đường biển, ở đó cũng có cây cối và thức ăn. Vậy là các con khỉ cùng đàn được tách ra ở đảo mới và đảo cũ, buổi tối chạy ra mép biển gọi nhau thảm thiết. Nhiều con khỉ nhớ bạn tình cũ cùng nhảy xuống biển bơi về phía nhau, ôm nhau giữa dòng nước. Vì sợ khỉ chết đuối hoặc sa vào tay bọn bắt trộm, các cán bộ trên đảo buộc phải huỷ bỏ kế hoạch "chia ly đàn khỉ" và đưa chúng về sống chung một đảo như cũ.
Ngày nay, đảo Rều Đá trở thành nơi để tiêm thử nghiệm các loại vaccine. Những chú khỉ được lựa chọn sẽ được đưa từ đảo Rều Đất sang đảo Rều Đá – nơi tiến hành những thử nghiệm y học. Khi những chú khỉ được lựa chọn để đưa đi, Những đàn khỉ ở lại đảo Rều Đất nhốn nháo, gào thét, thậm chí có con lao đuổi theo, bởi chúng biết những con được đưa sang đảo Rều Đá đều không có cơ hội trở lại.
Những chú khỉ được lựa chọn tiêm thử nghiệm vaccine.
Việc chăm sóc những chú khỉ khoẻ mạnh, đủ điều kiện thử nghiệm vaccine cũng như chăm sóc đàn khỉ sau tiêm vaccine là những công đoạn vô cùng quan trọng, phải đảm bảo rất nghiêm ngặt. Quy trình chăm sóc đàn khỉ phải đảm bảo từ vệ sinh môi trường đến chế độ dinh dưỡng và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Mỗi con khỉ được chăm sóc theo dõi trong chuồng riêng.
"Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, chúng tôi phải vào quan sát từng con khỉ căn cứ vào đặc tính chung của khỉ khi khoẻ mạnh là mắt sẽ rất sáng, thường nghịch ngợm, nhảy nhót quanh lồng. Bên cạnh đó, người chăm sóc phải quan sát xem khỉ có bị tiêu chảy không, đảm bảo tình trạng vệ sinh khu nuôi nhốt như: Rửa dọn máng ăn, cọ rửa khu chuồng nuôi", Đảo trưởng Vũ Công Long cho biết.
Một khu chuồng trại trên đảo
Bữa ăn chính của khỉ là gạo lật nấu với đỗ đen và lạc nhân. Đặc biệt, chế độ ăn với những con khỉ tham gia thử nghiệm vaccine còn được chú ý hơn so với đàn nuôi thả tự do. Ngoài 2 bữa ăn cơm, đàn khỉ này còn được bổ sung thêm các loại hoa quả như: mía, cam, ổi… để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo luôn khỏe mạnh trong thời gian thử nghiệm. Tất cả các thực phẩm cho khỉ ăn cũng đều phải có nguồn gốc rõ ràng mới đảm bảo chất lượng đàn khỉ khoẻ mạnh, phòng tránh bệnh tật.
Từ sau khi khỉ được tiêm vaccine, mỗi ngày các nhân viên ở đây phải huy động 2-3 người bắt và giữ khỉ để kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra vết tiêm. Vì đây là những chú khỉ trưởng thành, khá nặng, nên quá trình bắt rất khó và rất dễ bị cắn, cào.
Trại trưởng Vũ Công Long (bìa phải) và đồng nghiệp đang chăm sóc khỉ
Dự kiến, việc theo dõi đàn khỉ tiêm thử nghiệm vaccine sẽ diễn ra trong khoảng 4 tháng. Sau đó, nếu kết quả trên đàn khỉ khả quan, khỉ hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, các nhà nghiên cứu chuyên môn sẽ tiến hành lấy máu, đánh giá độ an toàn vaccine, đáp ứng miễn dịch rồi mới tiến hành thử nghiệm trên người.
Kỉ niệm với "những kẻ tinh nghịch"
Ngay khi vừa đặt chân lên Đảo Rều, chúng tôi đã được cán bộ thú y cảnh báo về những trò đùa tinh nghịch của bầy khỉ với du khách. Họ yêu cầu chúng tôi luôn đóng chặt cửa lớn và cửa sổ của phòng nghỉ, bởi chỉ cần để hé cửa, bọn khỉ sẽ tìm được cách luồn lách chui vào phòng và tiểu tiện ra đó. Nước tiểu của chúng là ác mộng của bất cứ du khách nào và các nhân viên của Đảo rất khó để xử lý sạch mùi đó.
Buổi sáng ngày thứ hai sau khi đặt chân lên đảo, vì muốn thưởng ngoạn không gian đẹp như tranh và thanh bình của Đảo, nên chúng tôi ngồi ăn sáng ở bàn ghế đá trước bãi biển. Còn chưa kịp ăn miếng nào thì đã thấy một quả bàng "rơi" thẳng vào bát mì. Nghĩ là quả bàng vô tình rụng thôi, tôi vừa định tiếp tục bữa sáng thì thấy một quả dừa non cỡ bằng nắm tay "hạ cánh" đúng bát của con gái tôi, nước và mì bắn tung tóe. Ngước nhìn lên tán cây trên đầu thì thấy hai chú khỉ đang ngồi trên đó nhìn xuống chúng tôi, ánh mắt đầy nét cười cợt tinh nghịch, tay lăm lăm một quả dừa già, chuẩn bị… ném. Hoảng hốt, chúng tôi nháo nhào bỏ chạy. Ngay khi đám thực khách rời ghế đá, hai chú khỉ liền sà xuống bàn đá, thản nhiên thưởng thức chiến lợi phẩm.
Hai chú khỉ đang "mai phục" bữa sáng của chúng tôi
Trong giấc ngủ chập chờn buổi trưa, tôi nghe mơ hồ như có tiếng cạy cửa và có cảm giác ai đó đang quan sát mình. Hé mắt nhìn ra, tôi thấy bên cạnh ô kính cửa sổ có hai chú khỉ. Một chú đang loay hoay cạy cửa, một chú ngồi yên lặng quan sát người ở trong phòng. Rồi thì, bỗng có tiếng chạy rầm rập, tiếng chuyền cành lao xao của cả một đàn khỉ. Tiếng hú hét đầy phấn khích của lũ khỉ làm náo động cả buổi trưa yên ắng trên đảo. Chúng tôi tò mò không biết chuyện gì có thể khiến lũ khỉ vui thích đến vậy nên chạy ra xem thì thấy chúng đang tranh cướp nhau để ướm thử chiếc áo bơi sặc sỡ khều trộm được của du khách.
Kiên nhẫn chờ cơ hội để lẻn vào phòng
Trong chuyến đi bộ vòng quanh đảo, nhìn thấy một con khỉ mẹ đang ôm ấp và bắt chấy, rận cho con khỉ con bé xíu, tôi muốn chụp lại cảnh tượng vô cùng dễ thương đó nên đã vô tình đến quá gần chúng. Lập tức khỉ mẹ ôm chặt con vào lòng để che chở, gầm lên nhìn tôi đầy tức giận. Cả đoàn còn chưa kịp định thần thì một con khỉ đực to lớn, lực lưỡng xuất hiện trực lao vào tấn công tôi. Rồi bỗng đâu cả đoàn khỉ kéo đến, vây lấy cả đoàn, sẵn sàng chiến đấu. Các thanh niên trong đoàn vội vàng vơ lấy mấy cành cây to để thị uy lũ khỉ và kéo cả đoàn lùi xa đám khỉ. Chúng tôi đi rồi, bọn khỉ còn lặng lẽ theo sau một đoạn rồi mới bỏ đi. Ông Long cho biết, hiếm có con vật nào có tình mẫu tử như con khỉ. Nếu khỉ con không may bị bệnh mà chết, khỉ mẹ vẫn ôm xác con trong lòng không rời. Chỉ đến khi khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu rời con và dúi bộ xương ở gốc cây.
Khỉ mẹ nổi giận khi tôi tiến đến gần
Đảo Rều nằm cách cảng Vũng Đục (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) khoảng 1km. Nơi đây sở hữu diện tích lên tới 22ha, thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Trước đây, đảo Rều là đảo hoang, năm 1962, đảo được Bộ Y tế quyết định đầu tư thành nơi nuôi khỉ, nên từ đó nhiều người gọi là đảo Khỉ. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!