Toà nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính Phủ) được xây dựng vào năm 1918, trên phần đất của chùa Báo Ân xưa, là một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ điển Pháp, với tổ hợp mặt bằng, mặt đứng rất cân xứng cùng với những chi tiết kiến trúc thuần túy châu Âu.
Tòa nhà đã trải qua bề dày lịch sử chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc và là nơi làm việc của Bác Hồ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiến, với tên gọi Bắc Bộ Phủ. Thời thuộc Pháp, tòa nhà này là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ.
Kết thúc chiến tranh Đông Dương (1954), Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành một bộ phận Nhà khách của Phủ Chủ tịch, do Phòng chiêu đãi, Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao điều hành. Từ năm 1981 đến nay, Nhà khách Chính phủ là đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Đến nay, Nhà khách Chính Phủ số 12 Ngô Quyền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa chỉ quen thuộc của người dân Hà Nội, nơi đây không chỉ là một công trình có kiến trúc đẹp, bề thế, mà còn là di tích lịch sử, niềm tự hào gắn liền với cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội (19/8/1945) của nhân dân Thủ đô.
Có một điều hết sức thú vị đó là trên hàng rào sắt trước khuôn viên Nhà khách Chính Phủ còn rất nhiều vết đạn ghim trên các thanh sắt. Thậm chí có cả những thanh sắt bị xuyên thủng, hay trên thanh sắt còn găm những mẩu kim loại. Những vết đạn này là dấu tích của trận đánh ngày 20/12/1946 giữa đại đội Vệ quốc đoàn bảo vệ Bắc Bộ Phủ và quân Pháp.
Đây là trận đánh ác liệt nhất và kéo dài nhất trong những ngày đầu của chiến tranh Đông Dương, trở thành một biểu tượng của tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của Thăng Long - Hà Nội.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Bắc Bộ Phủ lần đầu tiên mở cửa đón du khách vào tham quan. Nơi đây được coi là một trong những bí ẩn “lộ thiên” trên giao lộ di sản.
Những vết đạn có tuổi đời gần 80 năm đang được các nhà sáng tạo trẻ tái hiện lại qua các phương thức nghệ thuật mới.
Anh Nguyễn Tuấn Hoàng - Điêu khắc gia tự do - Nhóm sáng tác không gian sáng tạo Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính Phủ) chia sẻ: "Tôi muốn truyền tải tới các bạn trẻ và tất cả mọi người biết đây là những dấu vết của lịch sử, dấu vết mà cha ông ta đã trải qua rất nhiều khó khăn để dành lại công cuộc đổi mới như ngày hôm nay. Chúng tôi dùng màu hồng vẽ lên những vết đạn cũ để tạo lên sự tươi mới, trẻ trung nhưng vẫn nhắc nhở các bạn trẻ luôn ghi nhớ những ngày tháng hào hùng của cha ông ta".
Bên cạnh không gian kiến trúc Bắc Bộ Phủ là Pavilion “Dòng” với 2 cụm tác phẩm. 1 tác phẩm đặt tại Vườn hoa Diên Hồng và 1 tác phẩm trong khuôn viên Bắc Bộ Phủ.
Tác phẩm nằm trong cụm Pavilion “Dòng” đặt tại vườn hoa Diên Hồng.
Tác phẩm nằm trong cụm Pavilion “Dòng” trong khuôn viên Bắc Bộ Phủ.
Anh Nguyễn Minh Anh - Nhóm thực hiện Pavilion “Dòng” cho biết, cái tên Pavilion “Dòng” bao hàm nhiều ý nghĩa, có thể là dòng chảy của thời gian hay dòng giao thông. Tác phẩm đặt tại Vườn hoa Diên Hồng sẽ là một điểm trải nghiệm, tham quan cho người dân với độ cao khác với thường ngày. Chiều cao của tác phẩm này sẽ bằng với độ cao bậc đầu tiền của Nhà khách Chính phủ. Tác phẩm bên trong khuôn viên Bắc Bộ Phủ là 1 lối đi được giải gạch. Bên trong vườn hoa là một vòi phun nước có 8 chú cóc. Nhóm kiến trúc sư đã bao các tấm kính được dán decan, trên đó có các thông tin xung quanh vườn hoa để tập trung sự chú ý của mọi người. Các tấm kính này có kích thước bằng với kích thước của các tấm bê tông trên mặt tiền của Nhà khách Chính phủ.
Anh Nguyễn Minh Anh - Nhóm thực hiện Pavilion “Dòng”.
Cũng theo anh Minh Anh, khó khăn lớn nhất của các kiến trúc sư đó là việc thiết kế sáng tạo các công trình làm sao không để lấn át các công trình hiện đang có, mà góp phần tôn vinh giá trị của các công trình cũ.
Việc tái hiện những vết đạn cũ qua các phương thức nghệ thuật mới cùng với các tác phẩm trong cụm Pavilion “Dòng” sẽ vén mở những bí ẩn “lộ thiên” của công trình kiến trúc cổ Bắc Bộ Phủ (Nhà khách Chính Phủ) trên giao lộ di sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!