Lễ cúng Trăng của người Khmer

Thảo Trà - Thanh Hiếu-Thứ ba, ngày 03/12/2013 11:20 GMT+7

 Đã từ lâu, cứ mỗi độ Trăng tròn tháng 10, kết thúc mùa vụ, người Khmer lại quây quần cùng nhau bên đĩa cốm dẹp đón Trăng lên.

Không chỉ mang đậm tín ngưỡng tâm linh thờ thần Mặt trăng, lễ cúng Trăng, hay còn gọi là Ooc Om Bok còn là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giúp người dân sum họp lại bên nhau trong tình đoàn kết, trong những ước vọng về một cuộc sống yên bình, ấm no.

Đã thành thông lệ, cứ khi kết thúc vụ lúa, mùa mưa đã hết, người dân Khmer lại làm lễ tạ ơn thần Mặt trăng. Lễ vật dâng thần là những hạt lúa nếp còn thơm mùi sương sớm, những hoa trái vừa thu hoạch trên ruộng đồng. Đặc biệt, những hạt lúa nếp giã thành cốm dẹp là món không thể thiếu trong lễ cúng.

Theo ông Châu Ôn, nguyên Trưởng ban Biên tập Tạp chí Báo chí Khmer, Sóc Trăng thì người dân Khmer coi Mặt trăng là thần chủ của đất nước. Những sản phẩm mà họ làm ra từ đất nước như lúa, khoai, trái cây… khi gặt hái xong xuôi là đem cúng Mặt trăng để tạ ơn đất, nước, Mặt trăng.

Chính vì liên quan đến đất, nước, nên trong thời gian cúng, các A Char (những sư thầy trong chùa) sẽ dùng cây nguyệt quế - loại cây có hoa thơm để ướp vào nước, sau đó dùng nước đó vẩy vào người dân. Họ quan niệm, nước thơm, lễ vật từ đất và ánh trăng trên cao sẽ hội tụ để ban cho con người những điều tốt lành. Trăng lên cao cũng là lúc các vị A Char xin lấy cốm dẹp - món ăn đặc trưng từ cây lúa non - để ban phát cho trẻ em. Các A Char sẽ đút cốm cho từng đứa trẻ, vỗ vào lưng và hỏi về những ước mơ trong cuộc sống.

Không giống như những nghi lễ tâm linh khác chỉ cầu mong thần linh phù hộ, ở Ooc Om Bok, tính răn dạy thực tế được các vị A Char rèn luyện cho con cháu trong lễ cúng Trăng. Mỗi đứa trẻ ước xong đều được các vị A Char khuyên nhủ về tính chăm chỉ, siêng năng.

Ông Châu Ôn cho biết: “Khi đút cơm dẹp cho trẻ, một tay chủ lễ sẽ đập vào lưng trẻ, hỏi “sau này lớn lên cháu muốn được làm gì?”. Có trẻ muốn được vàng bạc ngọc ngà, có trẻ muốn được làm thầy cô giáo, bác sĩ. Sau đó ông mới nói, cháu muốn như vậy thì phải siêng năng học hành, siêng năng học tập, đừng có lười biếng, như vậy cháu mới được như ý”.

Em Lý Thị Thanh Liễu, học sinh lớp 10A4, trường THPT Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Sóc Trăng chia sẻ: “Được tham gia một lễ hội cúng Trăng như vậy em thấy rất là vui, tự hào với phong tục của địa phương. Khi được sư cho ăn cốm dẹp và được ước, cốm dẹp trong nhìn lên Trăng em cứ cảm giác như là điều ước của mình sẽ thành sự thật trong một sớm mai và tin rằng điều đó sẽ thành sự thật. Lúc nãy em đã mong ước học thật giỏi để sau này có một công việc giúp ích cho đất nước”.

Khi ánh trăng đã chứng kiến xong những ước vọng của con trẻ và lòng biết ơn của người lớn, người dân Khmer quây quần bên nhau trong tiếng nhạc rộn ràng. Họ nói, nước, đất và ánh trăng đã theo về trời, để sau đó đổ những cơn mưa xuống cõi trần, mang lại mầm sống mới cho con người và các loài vật.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước