Năm 2007, dự án 135 được triển khai tại vùng rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý, đã cấp 95 ha rừng cho 14 hộ để trồng cao su. Trong đó, 8 hộ là cán bộ, viên chức hoặc có người nhà làm việc tại Ban này, còn lại là các hộ sống trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch, các hộ này được thuê đất trong 30 năm. Sau một thời gian triển khai, nhiều hộ nhận khoán đã sang nhượng cho các hộ khác hoặc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cà phê.
Nhiều diện tích đất rừng bị chuyển đổi sai mục đích.
Trên thực tế, từ 14 hộ nhận khoán trồng cao su trên diện tích 95 ha ban đầu, qua một thời gian mua bán, chuyển nhượng, hiện diện tích này do 21 hộ quản lý. Tuy là dự án trồng rừng, tạo việc làm cho người dân địa phương nhưng không một ai trong số các hộ nhận khoán là người tại chỗ. Cũng trong suốt nhiều năm qua, rừng trồng tại khu vực này cũng đã liên tục bị lấn chiếm nhưng không được chủ rừng và địa phương xử lý kịp thời.
Việc chặt phá rừng trồng của hàng trăm người dân xã Bar Maih là hành vi vi phạm pháp luật và không loại trừ người dân bị kích động, lôi kéo. Đây là vụ chặt phá rừng có quy mô và diện tích thiệt hại lớn nhất tại Gia Lai từ trước đến nay. Chính sự thiếu minh bạch trong giao khoán đất rừng cộng với việc buông lỏng quản lý đã gây nên vụ việc đáng tiếc vừa qua.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!