Tràn lan tình trạng gọi điện trêu đùa Công an
Trong những ngày gần đây, tình trạng gọi điện trêu đùa các đường dây nóng của Cảnh sát trật tự (113) và Cảnh sát PCCC (114) đang trở nên trầm trọng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các lực lượng chức năng.
Ghi nhận tại 1 đơn vị công an, mỗi ngày, đầu số 113 tại đây tiếp nhận tới hơn 400 cuộc gọi nhưng chỉ có từ 1-5 cuộc có nội dung liên quan đến an ninh trật tự. Còn lại là những cuộc gọi trêu đùa, nháy máy... Các cuộc gọi diễn ra bất kỳ lúc nào, cả ngày lẫn đêm.
''Các trường hợp gọi điện quấy nhiễu đến 113 rất đa dạng. Có thể là các học sinh trong giờ ra chơi gọi trêu, có thể là đối tượng sử dụng ma túy bị loạn thần hoặc thần kinh không bình thường. Thậm chí có trường hợp lưu danh bạ vợ hoặc chồng là 113 dẫn đến bấm máy nhầm. Những trường hợp này đều gây phiên toái và ức chế cho cán bộ trực ban''. Thiếu tá Tống Đức Tuấn, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Đơn vị này cũng cho biết, đã có không ít lần vì những cuộc gọi trêu đùa, hoang báo thông tin sai sự thật, lực lượng chức năng đã phải tốn rất nhiều công sức khi phải cấp tốcđiều động cán bộ chiến sĩ đến ngay hiện trường.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với đầu số 114. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận tới hơn 700 cuộc gọi nhưng hầu như ngày nào cũng chỉ là các cuộc gọi theo kiểu nháy máy, trêu đùa hay không có thông tin.
''Đặc thù của cán bộ chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy là luôn luôn ứng trực sẵn sàng chiến đấu nên những cuộc gọi như vậy bất kể ngày hay đêm thực sự đã gây tâm lý rất mệt mỏi. Bên cạnh đó, cũng chính vì những cuộc gọi này sẽ khiến cho những người đang có nhu cầu trợ giúp thực sự, trong tình huống nguy cấp không thể kết nối ngay được với chúng tôi do bị nghẽn đường truyền từ đó rất có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc'', Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bắc Giang cho hay.
Vậy biện pháp nào để ngăn chặn hành vi này và chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm cụ thể như thế nào?
Ngăn chặn tình trạng gọi điện thoại trêu đùa Công an
Mới đây, một nữ lao động tự do trú tại tại Mai Châu, Hòa Bình đã bị xử phạt 2,5 triệu đồng về hành vi uống rượu say, rồi gọi điện đến số 113, Công an tỉnh Bắc Giang bịa chuyện mình bị hành hung để trêu đùa, cầu cứu trợ giúp. Một nam sinh THCS trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang và trường hợp một nam giới ngoài 40 tuổi ở TP Hòa Bình đã bị xử lý về hành vi gọi điện nháy máy, trêu đùa hoang báo thông tin sai sự thật đến đầu số 113.
Để mỗi người dân ý thức chỉ sử dụng số điện thoại khẩn cấp khi thực sự cần thiết, các gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để con em mình tuyệt đối không gọi điện trêu đùa đến các số điện thoại đường dây nóng. Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng cần quản lý chặt thông tin thuê bao để khi cần có thể xác minh được chính xác trường hợp vi phạm.
Thiếu tá Tống Đức Tuân, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, Công an tỉnh Bắc Giang, đã chỉ ra rằng nhiều trường hợp vi phạm đều xuất phát từ việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký sim. Điều này khiến cho việc xác định người đang sử dụng sim trở nên khó khăn và từ đó không thể xử lý được các trường hợp vi phạm.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi gọi điện trêu đùa, hoang báo thông sai sự thật đến các cơ quan chức năng có thể bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mức phạt sẽ được tăng lên 4-6 triệu đồng đối với các trường hợp gọi điện hoang báo tin cháy giả, tai nạn giả; trường hợp vi phạm cũng có thể bị xử lý hình sự.
Đường dây nóng được sinh ra là để tiếp nhận và xử lý những tình huồng khẩn cấp từ người dân. Có thể chính vì những cuộc gọi trêu đùa thiếu ý thức của một số người mà gây cản trở cho lực lượng chức năng phản ứng và ứng phó kip thời với những tình huồng khẩn cấp thực sự đang diễn ra như một đám cháy, một vụ tai nạn giao thông. Chính sự trêu đùa vô ý thức có thể khiến những người đang gặp nạn mất đi mạng sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!