Ngày 22/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan trực tiếp kiểm tra tình hình sạt lở tại xã Phú Thuận và yêu cầu địa phương khẩn trương xử lý, gia cố khẩn cấp điểm sạt lở. Bờ biển Phú Thuận là điểm thường xuyên xảy ra sạt lở. Thời tiết bất lợi những ngày qua khiến tình trạng sạt lở diễn biến nghiêm trọng hơn.
Ngay trong chiều 22/10, địa phương huy động lực lượng và phương tiện tập trung xử lý, gia cố điểm sạt lở nhằm ngăn chặn biển xâm thực sâu vào đất liền, bảo vệ công trình hạ tầng cũng như tài sản và an toàn cho người dân. Về lâu dài, cần có những đánh giá cũng như phương án tổng thể đưa ra giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn, chống sạt lở cho khu vực này.
Mưa to cùng sóng biển lớn những ngày qua làm bờ biển tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Biển xâm thực sâu vào đất liền, nhất là tại vị trí chưa được xây dựng kè chống xâm thực.
Xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ăn sâu vào đất liền tại thôn Tân An, xã Phú Thuận. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 22/10, đoạn bờ biển qua thôn Tân An, xã Phú Thuận xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng, chiều dài 300m, ăn sâu vào đất liền 100m so với đầu năm. Đáng chú ý, sóng biển phá hỏng vỉa hè đường nội bộ bãi tắm Phú Thuận, làm đổ nhiều cây, ảnh hưởng đến cuộc sống của 372 hộ dân. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, biển sẽ xâm thực sâu vào đất liền, cuốn trôi đường nội bộ, ảnh hưởng các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Trưởng thôn Tân An Nguyễn Văn Nhân thông tin, tình hình sạt lở tại thôn Tân An diễn biến bất thường và nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, tài sản của người dân. Bà con kiến nghị các ban, ngành sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố để người dân an tâm hơn khi mùa mưa bão tới.
Xã Phú Thuận có bờ biển dài 4,4km. Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, xã được đầu tư gần 2,5km kè biển (kè bờ) và 0,5km kè ngầm với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng. Hiện còn 1,9 km chưa được đầu tư, đang tiếp tục sạt lở trong mùa mưa bão.
Sóng biển đã phá hỏng vỉa hè đường đi bộ của đường nội bộ bãi tắm xã Phú Thuận. Ảnh: Mai Trang/TTXVN
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Nguyễn Quang Dân cho biết, chính quyền địa phương huy động lực lượng và phương tiện di dời tài sản của người dân, khuyến cáo bà con chủ động theo dõi thời tiết để di dời khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Địa phương kiến nghị cấp trên có phương án xử lý khẩn cấp, ngăn chặn tình trạng xâm thực bờ biển. Cơ quan chức năng nghiên cứu giải pháp lâu dài để đảm bảo tài sản và tính mạng của người dân.
Do tác động của biến đổi khí hậu và diễn biến bất thường của thời tiết, tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế rất phức tạp. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện nay, tỉnh có hơn 14km bờ biển (trong tổng số 127km) bị sạt lở nặng. Tập trung ở các xã: Phong Hải, Điền Hòa, huyện Phong Điền; Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền; Hải Dương, thành phố Huế; Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh, huyện Phú Vang; Vinh Mỹ, Giang Hải, huyện Phú Lộc. Vào mùa mưa bão, tốc độ xói lở trung bình hằng năm từ 5 -7m, có nơi từ 10 - 15m, đe dọa tính mạng và tài sản của hơn 1.000 hộ dân. Nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 9,8km. Các công trình kè chống sạt lở đang phát huy hiệu quả.
Các địa phương chủ động theo dõi diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời; rà soát di dời hộ dân sinh sống sát khu vực nguy hiểm; lắp biển cảnh báo, tuyên truyền đến người dân. Ngành nông nghiệp tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng kè chống xói lở cho các đoạn xung yếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!