50 đại biểu, trong đó có đại diện một số cơ quan Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực đã cùng tham gia đánh giá và kiến nghị các giải pháp lâu dài đối với vấn đề buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi, nhất là trong bối cảnh buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo vẫn đang diễn ra, cộng thêm các rủi ro ngày càng gia tăng về vấn đề sức khoẻ cộng đồng cũng như sự cần thiết trong việc hoàn thiện công tác phòng chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ khác.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt chó là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, tả, Trong khi một đại bộ phận người dân đã ngừng tiêu thụ và phản đối việc ăn thịt động vật nuôi thì vẫn còn một số nhóm đối tượng coi thịt chó, mèo là đặc sản. Nhu cầu tiêu thụ là một động lực chính thúc đẩy thị trường buôn bán và giết mổ thịt chó, mèo tiếp tục gia tăng.
Các nội dung chính của Tọa đàm bao gồm rà soát và đánh giá hệ thống quy định pháp luật về quản lý và giám sát động vật nuôi, cập nhật thực trạng tình hình buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo tại Việt Nam, đánh giá các kết quả và vướng mắc trong công tác thực thi pháp luật và truyền thông của các Bộ, ban, ngành có liên quan.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết: "Hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) là một vấn đề đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng. Quản lý động vật nuôi nói chung và quy định về phúc lợi động vật cũng là những nội dung mà các cơ quan quản lý Nhà nước đã và đang đưa ra bàn thảo. Việt Nam đã có khung pháp lý cho công tác này, tuy nhiên thực thi pháp luật vẫn còn nhiều lỗ hổng và cần tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới".
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục, đào tạo, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của các Bộ, ban, ngành, các tổ chức và đoàn thể trong xã hội. Điều này không chỉ giúp Việt Nam thực thi tốt các quy định về phúc lợi động vật mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho xã hội về các mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng và cách phòng trách dịch bệnh truyền nhiễm.
Tọa đàm cũng đặt ra những thảo luận xoay quanh việc thí điểm xây dựng Hà Nội là thành phố nói không với thịt chó, mèo.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp TP Hà Nội có trao đổi: "Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học lớn của cả nước mà còn là thành phố vì hòa bình, nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, việc kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ thịt chó, mèo đã tạo ra những cảm xúc không tốt đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Bên cạnh đó, chó mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không được tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh dại,… và tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho những người tham gia quá trình kinh doanh, giết mổ hoặc sử dụng thịt chó, mèo".
Tham gia Tọa đàm, Tổ chức Soi Dog Foundation International cung cấp các thông tin và dữ liệu khảo sát liên quan đến những tác động tiêu cực mà hoạt động buôn bán, vận chuyển và giết mổ chó, mèo mang lại, đặc biệt là các vấn đề về tâm sinh lý, các vết thương vật lý, và nguy cơ lây truyền dịch bệnh đối với các nhóm đối tượng tham gia vào quá trình buôn bán và giết mổ. Theo các chuyên gia tham gia Tọa đàm, kinh nghiệm quốc tế như lệnh cấm ăn thịt chó tại Thái Lan và Philippines là những bài học mà Việt Nam có thể cân nhắc triển khai trong thời gian tới.
Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Chương trình Thay đổi hành vi của Dự án Giảm trừ bệnh dại và không buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo cho biết: "Song song với các công cụ pháp lý, truyền thông thay đổi hành vi là chìa khóa để thay đổi văn hóa và thói quen tiêu dùng. Để thành công trong việc chấm dứt hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo, các chiến dịch truyền thông cần được thực hiện bài bản, có chiến lược, xuất phát từ việc phân tích sâu động lực, đặc điểm tiêu dùng của nhóm đối tượng mục tiêu, sau đó phân loại họ để xác định nhóm đối tượng cần tác động. Từ đó một mặt tạo ra các rào cản ngăn chặn việc thực hiện hành vi của nhóm đối tượng này, mặt khác định hướng lại hành vi tiêu dùng sang các sản phẩm thay thế khác. Hoạt động can thiệp không chỉ trực tiếp tác động đến nhóm đối tượng này mà còn cần có sự tham gia của cả mạng lưới, cộng đồng sinh hoạt và làm việc của nhóm đối tượng mục tiêu và cả xã hội. Về lâu dài, điều này sẽ gia tăng sự giám sát của xã hội đối với các hành vi vi phạm và tiến tới việc toàn xã hội thể hiện một thái độ không khoan nhượng đối với việc buôn bán và tiêu thụ thịt chó, mèo."
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!