Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là sáng kiến hay và được Liên Hợp Quốc ủng hộ. Ông Kamal Malhotra cho hay: "Dưới góc độ của Liên Hợp Quốc, chúng tôi nghĩ rằng chỉ nên có một quỹ ở tầm quốc gia, đặt dưới dự giám sát tổng thể và sự chỉ đạo của Chính phủ thay vì có nhiều quỹ cạnh tranh nhau. COVID-19 được coi là điều chưa có tiền lệ trong một thế kỷ qua. Nó được coi là tình huống khẩn cấp quốc gia cho bất cứ thể chế nào và chỉ Chính phủ mới đủ tầm và đủ năng lực điều phối quỹ này".
Còn theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, việc huy động nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của Chính phủ Việt Nam là rất kịp thời và cũng phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu.
"Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng rõ ràng vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý, sử dụng công bằng và hiệu quả nguồn lực từ người dân và khối doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với COVID-19. Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch", Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park cho biết.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam thông tin: "UNDP đã thực hiện một nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về COVID-19, qua đó cho thấy một sự ủng hộ thực sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng chống COVID-19 của Chính phủ. Kết quả cho thấy, mức độ lan toả và ủng hộ của người dân Việt Nam với các quyết sách của Chính phủ cao ở mức đặc biệt so với các nước khác trên thế giới. Vì thế, chúng tôi tin tưởng lần này, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp, những người có tiềm lực tài chính mạnh sẽ đồng lòng ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ, để đóng góp vào quỹ vaccine này".
"Tôi nghĩ việc lập quỹ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể ứng phó COVID-19 của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng trong chiến lược này, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc huy động và kết nối các nguồn lực. Điều này cho thấy Chính phủ đã nắm bắt được đầy đủ về nhu cầu cần phải có những bước đi nhanh hơn nữa. Đây là điều rất tích cực", Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả là hoàn toàn cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tin rằng Chính phủ Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong việc đẩy nhanh tiếp cận vaccine cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!