Những đóng góp tích cực của người “kinh tế mới” ở Bình Phước

Chuyển động 24h-Thứ ba, ngày 12/01/2021 13:09 GMT+7

VTV.vn - Những người kinh tế mới đã tạo ra được những cộng đồng dân cư gắn kết về văn hóa và phát triển mạnh về kinh tế.

Đi kinh tế mới là câu nói rất quen thuộc với tất cả mọi người, tuy nhiên nhiều người chỉ hiểu đơn giản đó là những người từ các tỉnh chủ yếu từ miền Bắc vào các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên để khai hoang, lập nghiệp. Chứ ít người biết rằng đây là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ vào đầu những năm 1980 của thế kỷ trước. Khi đó, xây dựng các vùng kinh tế mới là nhiệm vụ kinh tế cực kỳ quan trọng nhằm phát triển sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động, góp phần củng cố quốc phòng và tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Hỗ trợ người đi xây dựng vùng kinh tế mới

Vào thời kỳ đầu thực hiện chủ trương, khi đi tới vùng kinh tế mới thì sẽ được hỗ trợ đặc biệt.

Ở nơi đi:

- Các hộ gia đình sẽ nhận được hỗ trợ tiền vé, tiền cước vận chuyển từ 500 đến 800 kg hành lý khi đến cơ sở mới; trợ cấp tiền ăn trên đường đi 1 đồng/người/1 ngày.

- Mỗi lao động được trợ cấp hai công cụ sản xuất, mức bình quân 30 đồng/lao động.

- Gia đình khó khăn được trợ cấp từ 100 đến 150 đồng/hộ để mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt cần thiết.

Ở nơi đến:

- Trợ cấp cho mỗi hộ từ 700 đồng đến 900 đồng để làm nhà ở

- Trợ cấp chi phí để đào giếng hoặc mua sắm dụng cụ chứa nước tối đa 100đồng/hộ

- Trợ cấp tiền mua lương thực trong 6 tháng

- Được giao từ 300m2 đến 1.500 m2 để làm chỗ ở và trồng trọt, chăn nuôi.

Hưởng ứng chủ trương này, từ miền Bắc đã có hàng ngàn, hạng vạn người dân tiên phong đến các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây nguyên… để khai hoang, lập ấp, làm kinh tế. Trong đội ngũ tiên phong đó, có rất nhiều người lính lại tiếp tục xung phong trên mặt trận xây dựng vùng kinh tế mới. Hơn 40 năm qua, họ đã bền bỉ, bám trụ và thành công theo đúng tiêu chí là xây dựng kinh tế không chỉ cho gia đình mà còn góp phần tạo ra những diện mạo mới cho những vùng đất trước đây chỉ để hoang hóa.

Cựu chiến binh "kinh tế mới"

Vườn cao su 10 năm tuổi trong diện tích 150ha đang cho thu hoạch của ông Châm, đây cũng là những thành quả tích lũy suốt 40 năm quyết tâm làm kinh tế mới. Để có được kết quả như ngày hôm nay, những người làm kinh tế mới như ông đã phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua.

10 năm đầu khi bắt tay vào khai hoang, lập ấp là quãng thời gian khó khăn bộn bề. Giải quyết xong vấn đề bệnh sốt rét, thì vấn đề cây lương thực ngắn ngày được mang từ miền Bắc không còn cho năng suất do đất bạc màu. Bà con lại loay hoay chuyển đổi sang cây công nghiệp là cao su và điều, theo tinh thần đổi mới cuối những năm 1980.

Ông Nguyễn Hùng Dũng – Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP. Đồng Xoài, Bình Phước - cho hay: "Làm đủ trò trống hết, chăn nuôi, làm rãy, khi vào làm thì phải tính hậu cần tại chỗ, bác làm mấy cái hồ dưới suối nuôi cá và chăn nuôi heo. Khi mình có vườn rồi thì thấy chất đất ở đây quá tốt, làm cái gì cũng có thu hoạch lớn cả nên bác cố bám thì mới có ngày hôm nay".

Từ vườn nhỏ rồi tích lũy thành vườn lớn, bây giờ ông Dũng đã giải quyết hết được các vấn đề kinh tế của gia đình, con cái được học hành, có công việc ổn định và đều có nhà đất ở thành phố. Điều mà theo nhiều người nếu không quyết tâm bám trụ làm kinh tế mới thì không thể có được.

Thành công của những CCB kinh tế mới như ông Châm, ông Dũng là rất nhiều trên mảnh đất Bình Phước đầy tiềm năng. Đến thời điểm này, vẫn đang có những thế hệ tiếp theo, từ các miền quê đến đây tiếp tục làm kinh tế mới kiểu mới.

Tỉnh Bình Phước chỉ là một trong nhiều địa phương là điểm đến xây dựng vùng kinh tế mới. Nước ta hiện có 54 dân tộc anh em thì riêng tỉnh Bình Phước có sự cộng cư của 41 dân tộc. Nhiều xã gần 100% dân số là người dân làm kinh tế mới. 100% hộ đi kinh tế mới không có hộ nghèo.

Những người đi kinh tế mới hầu hết đều ít nhiều gặt hái được thành công về kinh tế. Tuy nhiên, về tổng thể chưa có thống kê nào nhìn lại kết quả này. Chỉ có một điều rõ nét, đó là những người kinh tế mới đã tạo ra được những cộng đồng dân cư gắn kết về văn hóa và phát triển mạnh về kinh tế.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước