Nghệ nhân Phạm Thị Thuận.
Nhiều năm nay, không ít người vẫn coi nghệ nhân Phan Thị Thuận là một huyền thoại trong làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Từ những ruộng dâu xanh mướt tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, bà đã mang tới những đóng góp vô giá cho nghề truyền thống vào tài sản văn hóa quốc gia.
Trong quá trình lao động và sáng tạo, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam khai phá tiềm năng, biến con tằm trở thành "người thợ dệt". Tâm hồn của nghề trồng dâu nuôi tằm đã được bà truyền tải qua những sản phẩm độc đáo như mền bông, chăn bông, gối bông, và khăn lụa tơ tằm. Bà không chỉ làm sống dậy nghề truyền thống, mà còn khai sinh ra những ý tưởng đột phá, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống quê hương.
Bà cũng là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và làm ra sợi tơ sen - một chất liệu quý hiếm được chiết xuất từ cuống lá sen. Tơ sen không chỉ mang giá trị kinh tế cao, mà còn gắn kết với hình ảnh đất Phật, đóng góp vào việc lan tỏa văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Tơ sen được nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận coi như linh hồn của nghề. Bà chia sẻ: "Tơ sen thì vô cùng quý, khác với tất cả các loại tơ khác vì được thanh lọc từ lòng đất. Tôi nghiên cứu tơ sen với mong muốn tạo ra những sản phẩm tinh túy nhất và đẹp nhất."
Bà là gương sáng nghệ nhân làng nghề, yêu nghề, say nghề và luôn tìm tòi sáng tạo để phát triển chúng. Tại đêm Chung kết cuộc thi Miss International 2024 (Hoa hậu Quốc tế) được tổ chức tại Nhật Bản ngày 12/11/2024, Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy đã xuất sắc đăng quang ngôi vị Á hậu. Tại phần thi trình diễn trang phục dân tộc với tác phẩm thiết kế "Lụa nàng sen", Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy đã gây ấn tượng đặc biệt với Ban Giám khảo và nhân dân toàn Thế giới.
Bộ trang phục "Lụa Nàng Sen", một tác phẩm được thiết kế từ lụa tơ sen của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (quê hương xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội) đã tạo ấn tượng mạnh mẽ tại cuộc thi Miss International 2024. Góp phần làm lan tỏa nghề truyền thống của Việt Nam, lan tỏa lụa tơ sen của Việt Nam và tinh thần, vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đáng chú ý, bộ trang phục còn bao gồm khung cửi, nhấn mạnh quy trình dệt lụa thủ công của Việt Nam.
Tác phẩm của nghệ nhân Phan Thị Thuận
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận nói: "Mình đưa lụa tơ sen cho người thiết kế để tạo ra bộ trang phục "Lụa Nàng Sen". Bộ trang phục cũng đã thể hiện được cái tinh thần của nghề truyền thống Việt Nam, sản phẩm cũng từ nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được làm thủ công bằng tay chứ chúng không được làm bằng máy móc hiện đại nào cả".
Tơ sen thì vô cùng quý, nó khác với tất cả các loại tơ khác vì được thanh lọc từ lòng đất. Cái sợi tơ sen ở cuống lá sen được ví như mạch máu nuôi cơ thể của con người. Ở đó có hình ảnh của Phật Tổ, hoa sen nở dưới gót chân của Ngài, 7 bước chân của Ngài là 7 đóa hoa sen. Những bông hoa sen có được là nhờ vào sơi tơ, từ đó nghệ nhân Phan Thị Thuận bắt đầu say mê nghiên cứu và làm ra những sản phẩm tinh túy nhất và đẹp nhất:
"Mỗi bước chân đi lại gặp sen/Thắp sáng đường đi những đóa đèn/Từ bùn bật dậy niềm kiêu hãnh/Hương Quốc hoa mình sáng mãi tên." - bà Thuận nghĩ như thế và đau đáu trong lòng để làm ra những sản phẩm từ lụa tơ sen của Việt Nam.
Từ những ngày đầu được học nghề từ bố mẹ, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã mang trong mình tình yêu nghề sâu sắc. Bà đã biến những con tằm thành người thợ dệt. Rút ruột nhả tơ để cho đời những sản phẩm tinh túy từ nghề truyền thống dệt lụa tằm tơ. Bà còn làm ra những sợi tơ sen và những sản phẩm độc đáo từ sợi tơ sen.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận cho biết: "Người nhiều tiền thì dùng những sản phẩm nhiều tiền, người ít tiền thì sử dụng những sản phẩm ít tiền như khăn tay, khăn mặt và tẩy trang. Mình có thể làm áo ấm, làm chăn đắp, làm dưỡng da, làm mỹ phẩm từ cái sợi tơ tằm, từ con tằm. Từ cái chất liệu tơ tằm, ăn lá dâu, cây dâu là cây thuốc thi trong sợi tơ nó có bao nhiêu vị thuốc, tất cả những người học về y dược, học về cây thuốc nam thì sẽ biết được cây dâu tằm nó có bao nhiêu vị thuốc."
Bà không chỉ giữ nghề, mà còn lan tỏa chúng đến thế hệ trẻ. Hiện nay, bà đã truyền dạy cho hàng trăm học sinh nghề lụa tơ sen. Từ những tấm lụa mềm mại đến những sản phẩm cao cấp, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã tạo ra những giá trị độc đáo.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận là tấm gương sáng ngời trong làng nghề truyền thống Việt Nam. Bà không chỉ góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc, mà còn mang lại niềm tự hào cho quê hương, xứ sở. Bà là biểu tượng của tình yêu nghề, sự sáng tạo và tâm huyết của người Việt Nam, đáng để thế hệ trẻ nói gương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!