Phường xoan An Thái: Sáng là nông dân, tối thành nghệ nhân

Minh Toàn-Thứ hai, ngày 09/01/2023 14:39 GMT+7

VTV.vn - Cách thành phố Việt Trì khoảng 4km về phía đông, phường Xoan An Thái - 1 trong 4 phường Xoan cổ của tỉnh Phú Thọ là nơi phát tích của hát Xoan.

Hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của vùng Đất Tổ nói riêng và trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình vào mùa xuân hay "Khúc môn đình", là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Không những vậy, hát Xoan còn chứa đựng giá trị văn hóa cổ gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt cổ.

Nghệ nhân nhân dân Hát Xoan Nguyễn Thị Lịch – Bà trùm Phường Xoan An Thái (Phượng Lâu Việt Trì, Phú Thọ) cho biết: "Nghệ thuật hát Xoan được hình thành từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước, trải qua thời gian dài tồn tại, phát triển trong cộng đồng, hát Xoan đã được dung hòa giữa ca hát nghi lễ, ca hát dân gian nguyên thuỷ. Đến thời Hậu Lê, hát Xoan đã được các nhà Nho biên soạn là lưu truyền đến ngày nay…".

Chia sẻ về nguồn gốc của hát Xoan, bà Lịch nói thêm: "Sau khi đưa quân đi đánh giặc, chiến thắng trở về, vua đưa quân đi du xuân. Đến làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì, Phú Thọ (hiện nay) thì vợ vua bị đau bụng, bà đau khá lâu nhưng lại không sinh nở được. Có một người hầu mới tâu rằng: đằng sau lũy tre xanh này có một người con gái tên là Quế Hoa, múa dẻo, hát hay. Nhà vua mừng rỡ liền cho người đón Quế Hoa đến để mua vui cho bà đỡ đau. Quế Hoa hát đến đâu, vợ vua an thai đến đó. Nhà vua phấn khởi, đặt tên cho làng là làng An Thai (làng An Thái ngày nay). Sau đó, vua đưa quân và Quế Hoa cùng trở về cung, đến địa phận xã Cao Mại, huyện Lâm Thao thì vợ vua hạ sinh tại đó. Và hiện nay, người dân làng Cao Mại đang thờ con vua Hùng và kết nghĩa với phường Xoan An Thái…".

Phường xoan An Thái: Sáng là nông dân, tối thành nghệ nhân - Ảnh 1.

Phường Xoan An Thái là 1 trong 4 phường Xoan cổ của thành phố Việt Trì, đồng thời đây cũng là phường Xoan hoạt động sôi nổi nhất (Ảnh: Gia Linh)

Hát Xoan gồm 3 chặng hát: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát hội. Hát nghi lễ là chặng hát tri ân công đức của tổ tiên thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam. Hát quả cách là chặng tiếp theo trong quá trình diễn xướng của hát Xoan, là lối hát cách hay trình diễn các quả cách. Hát quả cách là hát những bài hát chúc Vua và những bài hát kể về lịch tiết, lịch sử, nghề nghiệp của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, mang dáng dấp của các bài dân ca, ví giao duyên, hát trống quân. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh như: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá... Hát Xoan sẽ được trình diễn vào 3 dịp lễ chính là 6/6 (Tết Nguyên đán), 10/3 (Giỗ Tổ Hùng Vương) và 9/9 (hội làng).

Nói thêm về hát Xoan bà Lịch chia sẻ: "Khác với các loại hình nghệ thuật khác, khi hát Xoan tay uốn vào mở ra, uốn vào để thành nụ hoa, mở ra để trở thành những cánh hoa mà hoa thì nở vào mùa xuân, hát Xoan thì hát về mùa xuân, hơn nữa, vợ vua tên là Xuân nên phải gọi lái sang là hát Xoan để tránh phạm uý…"

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đến năm 2017, tại Hội nghị lần thứ 12, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ sĩ làm ruộng

Hầu hết những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú của phường Xoan An Thái đều có xuất thân từ nông dân. Cuộc sống của họ gắn với cây lúa, cây ngô, với đồng ruộng và với hát Xoan đã hàng chục năm nay rồi. Bà Nguyễn Thị Chuông (68 tuổi) – Nghệ nhân Ưu tú phường Xoan An Thái cho biết: "Thời gian tôi gắn bó với hát Xoan và với đồng ruộng là như nhau, biết tời hát Xoan từ nhỏ, nhưng vì đang sống trên đất nông nghiệp nên không thể bỏ việc đồng áng được…".

Phường xoan An Thái: Sáng là nông dân, tối thành nghệ nhân - Ảnh 2.

Bà Chuông khẳng định nông nghiệp mới là nghề chính của những nghệ nhân phường An Thái (Ảnh: Minh Toàn).

Không chỉ là nghệ nhân Ưu tú của phường Xoan An Thái mà bà Chuông còn là nghệ sĩ trên chính những mảnh đất canh tác của mình.

Nông nghiệp vẫn là nghề chính của của người dân làng An Thái nói chung và phương Xoan An Thái nói riêng. Bà Chuông chia sẻ: "Làm ruộng là chính, khi nào có đoàn về, cần biểu diễn thì chúng tôi diễn, không thì cứ loanh quanh việc đồng áng thôi. Cứ ngày đang đi cấy này, hay đang làm bất cứ cái gì mà có điện có khách về là cũng rửa tay, rửa chân lên bờ để đi diễn. Nông dân và nghệ nhân chỉ cách nhau khoảnh khắc thế thôi…".

Bà Chuông đùa vui rằng: "Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân, hay là sáng là nghệ nhân, chiều là dân cày là điều bình thường ở làng An Thái chúng tôi".

Dù bận công việc đồng áng đến đâu, những nghệ nhân ở đây vẫn luôn quan tâm sát sao đến việc gìn giữ di sản văn hóa này. Phường Xoan An Thái có tổ chức một lớp dạy hát Xoan cho những người trong làng. Đối tượng chủ yếu của lớp học này là những học sinh trên địa bàn, có năng khiếu, có đam mê với hát Xoan. Tuy nhiên, những em học sinh này vẫn phải trải qua kỳ thi đầu vào vô cùng nghiêm ngặt, được chấm điểm, đánh giá bởi chính những nghệ nhân của phường.

Do là học sinh nên thời gian chủ yếu của các em là dành cho việc học, vì vậy các lớp thường được mở vào tối thứ 7 hoặc chủ nhật mỗi tuần. Sau khi hoàn thành chương trình học tại các lớp này, những học sinh tại đây sẽ được nhận bằng do thành phố cấp. Học viên nhỏ nhất tại đây mới chỉ 7 tuổi và người lớn tuổi nhất ở phường năm nay đã 95 tuổi, điều này chứng tỏ, hát Xoan là dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Với mỗi buổi dạy, các nghệ nhân nhận được khoảng 50.000 đồng. Có thể nói, những nghệ nhân ở đây đang duy trì và phát triển di sản bằng cái tâm, bằng sự nhiệt huyết với hát Xoan.

Phường xoan An Thái: Sáng là nông dân, tối thành nghệ nhân - Ảnh 3.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp là hoạt động chủ yếu của những nghệ nhân phường Xoan An Thái (Ảnh: Minh Toàn).

Khi được hỏi, tại sao phường chủ yếu là những người đã có tuổi sinh hoạt? Bà Chuông nói: "Tại vì bây giờ các bà già rồi, ở nhà thì duy trì chứ còn các cháu đi làm hết, đi đây có được mấy, mỗi lần được có trăm hay 2 trăm mà thỉnh thoảng mới đi. Đấy để các cháu ở nhà mà cứ như thế thì lấy cái gì mà ăn nên chỉ có các bà cứ túc tắc thôi…".

Vấn đề về tài chính có lẽ là lý do lớn nhất khiến nhiều người trẻ không tập trung hoàn toàn vào hát Xoan, bà Chuông bộc bạch "Có lương liếc gì đâu, không có một cái gì…trước kia toàn đi không thôi chứ làm gì có cái gì bao giờ, 2 năm nay, nhà nước họ hỗ trợ phường và đi các đoàn cho các bà thì các bà được chứ còn thì không có…".

Theo bà Lịch: "Hiện nay, các nghệ nhân không nhận được chế độ gì từ nhà nước, chỉ âm thầm, lặng lẽ gìn giữ cái di sản này bằng đam mê và nhiệt huyết thôi. Bọn tôi cũng đề nghị mãi nhưng mà đến nay là chưa có gì, đó cũng là cái điểm thiệt thòi, cái đáng buồn trong công cuộc bảo tồn và phát triển di sản…". Bà trùm phường cũng mong muốn chính quyền quan tâm đến loại hình nghệ thuật này hơn vì nó gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. "Phải quan tâm đến nghệ nhân thì anh chị em mới có cái để sống, sống không có ăn thì sống làm gì…" bà Lịch bộc bạch.

Cũng giống như bà Chuông, ông Đỗ Duy Hiển (1 nghệ nhân trong phường) cũng cho rằng nông nghiệp mới là nghề chính ở làng An Thái. Ông Hiển cho biết: "Mỗi năm tỉnh hỗ trợ 30 triệu, thành phố hỗ trợ 20 triệu cho cả phường, mỗi lần đi hát thế này thì phường có thể là trích ra, xã cũng có, thành phố cũng có, nhưng mà để tính trả lương thì vẫn chưa. Cũng rất là mong mỏi đấy nhưng mà chưa có gì cả, thì anh em lắm lúc cũng phải đi phục vụ coi như là không tính toán gì hết cả…"

Về lớp dạy, bồi dưỡng cho những học viên có năng khiếu, những nghệ nhân tham gia giảng dạy vẫn sẽ nhận được những khoản hỗ trợ từ phường, từ xã nhưng không đáng kể. Ông Hiển bộc bạch: "Do đam mê, muốn truyền nghề cho con cho cháu thì mình dạy thôi chứ cũng không tính toán gì nhiều…".

Gọi là nghệ nhân nhưng thực ra những "nghệ nhân" này lại là những người nông dân chân lấm tay bùn, sống bằng nghề làm ruộng để tiếp tục nuôi ước mơ bảo tồn và phát triển hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước