Lỗ hổng trong quản lý độ tuổi chơi game online: Biết hổng nhưng vẫn... kệ?

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/07/2020 22:24 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù đã có thông tư quy định rõ về việc phân loại độ tuổi và thời gian người chơi game online nhưng vì lợi nhuận nhiều nhà phát hành game vẫn phớt lờ.

Hệ lụy game online

Bố mẹ thường xuyên bận công việc nên trong một thời gian dài, nhiều bạn trẻ vùi mình vào game để tự quên đi những nỗi buồn ở lớp học. Đến khi bố mẹ phát hiện ra thì đã muộn.

"Phải dùng từ đúng như bây giờ thì gọi là nghiện rồi chứ không phải đam mê nữa. Khi mình đang chơi game, chơi đủ thời gian mà đã phải đến giờ về thì mình vẫn muốn được chơi tiếp nên mình sẽ muốn tiếp tục chơi game. Ngày mai mình sẽ cúp học đi chơi, dần dần thành bệnh cúp học" - một bạn trẻ chơi game chia sẻ.

Lỗ hổng trong quản lý độ tuổi chơi game online: Biết hổng nhưng vẫn... kệ? - Ảnh 1.

Thiếu sự quan tâm của cha mẹ, nhiều bạn trẻ vùi mình vào game.

Thời gian qua, nhiều sự việc đau lòng, nhất là các vụ án mạng xảy ra do liên quan đến các đối tượng nghiện game xảy ra. Mới đây nhất là vụ việc bé trai 5 tuổi chết do bị nam sinh nghiện game giấu. Theo lời khai, việc đưa bé trai 5 tuổi vào khu vực rừng dẫn đến cái chết của bé là do nam sinh này thực hiện theo trò chơi điện tử giấu bé rồi sau đó làm "người hùng" đi cứu bé. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, H. lo sợ không đưa bé về nữa, dẫn đến sự việc đau lòng.

Trước đó, tháng 5/2019, một thanh niên xông vào Trường tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) dùng dao đâm chém loạn xạ vào học sinh. Sự việc khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Điều tra của công an cho thấy thanh niên trên có biểu hiện nghiện game. Đối tượng không có việc làm, ít nói, nhốt mình trong phòng chơi game suốt ngày.

Năm 2018, một vụ án mạng xảy ra ở huyện Quế Phong, Nghệ An khi một cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong. Sự việc xuất phát từ một nguyên nhân lãng xẹt: nạn nhân tranh luận với hung thủ về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích.

Bà Dương Minh Ánh, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Các em tìm thấy ở đó sự cuốn hút bởi vì nó như thật đấy, nó càng công nghệ càng cao thì nó lại càng làm cho người ta cuốn hút vào đấy. Lần này mình chơi mình không đạt được thì cố gắng để vượt qua những các tầng nấc của các trò game đó, nó cứ gây sự tò mò và cuốn hút. Bản chất của vấn đề là các em tò mò, từ tò mò dẫn đến việc nghiện".

Câu hỏi đặt ra là có quy định nào để phòng chống hoặc kiểm soát việc chơi game hay không? Các quy định hiện nay đã khá đầy đủ về việc nhà phát hành game phải yêu cầu người chơi đăng ký thông tin cá nhân để xác định độ tuổi và kiểm soát thời gian chơi game. Tuy nhiên, quy định một đằng nhưng doanh nghiệp có thực hiện nghiêm túc hay không lại là chuyện khác. Khi sự kiểm soát chỉ trên giấy tờ thì hậu quả sẽ do người chơi gánh chịu.

Nhiều lỗ hổng trong quản lý game online

Đối với các game được phát hành tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy định về độ tuổi và giới hạn thời gian chơi mỗi ngày nhưng để lách được các quy định này, không hề khó. Mặc mới 16 tuổi, nhưng Ngô Quang Minh và nhóm bạn của mình chơi game dành cho người trên 18 tuổi đã được vài năm. Minh cho biết: "Không có ai để ý tới giới hạn độ tuổi đó bởi vì trong game em thấy có nhiều bạn cấp một cũng đã chơi, game cũng không bắt mình phải đăng ký độ tuổi thật để tải về".

"Độ tuổi 13+, 18+ hay với 3 giờ chơi game liên tục trong một ngày đều có cái là cái gọi là hạn chế trong game của họ nhưng người chơi thoát, tắt game, refresh bật lại máy lại như mới. Đó là những cái nhà phát hành game biết thừa để có thể fix được lỗi nhưng họ không fix, họ mặc kệ" - Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh nhận định.

Lỗ hổng trong quản lý độ tuổi chơi game online: Biết hổng nhưng vẫn... kệ? - Ảnh 2.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những game chưa được cấp phép có thể dễ dàng tải xuống từ AppStore hay GooglePlay sau đó chơi như bình thường. Phần nhiều là game nước ngoài, không được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm duyệt về nội dung.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra tại Nghệ An khiến cháu bé 5 tuổi tử vong là do thủ phạm bị ám ảnh bởi một trong số những game nước ngoài như vậy. Nội dung của game mang tính trinh thám, kinh dị, bạo lực.

Bà Hoàng Thị Anh Thư, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Đối với những game không phân định được chủ thể của nước ngoài sẽ có đề nghị Google và AppStore phải gỡ bỏ. Trong thời gian gần đây, Cục liên tục làm việc theo định kỳ đối với Google và Apple và gửi những yêu cầu và đề nghị trực tiếp gỡ bỏ, các con số game trong thời gian gần đây được gỡ bỏ trên Google và AppStore khoảng hơn 300 game".

Hàng ngày có hàng nghìn game được sản xuất và đưa lên nền tảng mạng. Thế nhưng, trong cả năm ngoái, cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính 345 triệu đồng, chủ yếu do lỗi game phát hành không đúng nội dung được phê duyệt.

Game cũng giống như phim ảnh trên mạng, có những bộ phim hay, tốt nhưng cũng có những phim mang nội dung bạo lực, đồi trụy. Điều quan trọng là việc lựa chọn loại hình game nào cũng như nhận thức của người chơi. Bên cạnh đó, yêu cầu thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong phát hành và quản lý chơi game online cần phải được chặt chẽ, hơn nữa trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng để có thể định hướng, giáo dục trẻ, tránh để trẻ đắm chìm vào thế giới game ảo.

Con nghiện game, tại cha mẹ Con nghiện game, tại cha mẹ

VTV.vn - Để có tiền chơi game, một số thanh thiếu niên đã có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản, tước đoạt tính mạng của người khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước