Ghé thăm làng Tranh Khúc những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình tất bật gói bánh với không khí sôi nổi, khẩn trương để kịp giao bánh cho khách hàng. Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng với màu sắc đặc trưng, hương vị thơm ngon hấp dẫn nhiều khách hàng cả trong lẫn ngoài nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất của Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tuy vẫn được duy trì nhưng không thể bằng những năm trước đây.
Không ai biết rõ làng bánh chưng Tranh Khúc có từ bao giờ, cứ cha truyền con nối giữ gìn, phát triển cho đến ngày hôm nay. Ở mảnh đất này, hầu hết nhà nào cũng làm bánh chưng, lấy đó làm thu nhập chính, nuôi sống bao lớp thế hệ.
Để làm ra những chiếc bánh ngon, lá dong phải được rửa thật sạch, phơi ráo nước.
Ở làng nghề việc làm bánh có công thức chung, đều gói bánh bằng lá dong, dùng nguyên liệu là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn để gói thành chiếc bánh vuông vắn. Nhưng để tạo ra được chiếc bánh ngon, đạt đúng chuẩn hương vị của một thứ bánh đại diện cho ngày Tết cổ truyền của người Việt, thì cầu kỳ nhất vẫn là ở khâu chọn nguyên liệu. Loại nếp dùng để gói bánh chỉ duy nhất là nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo, mềm, và có hương thơm riêng.
Không chỉ yêu cầu khắt khe với gạo, đỗ xanh được dùng cũng phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được thổi chín và giã nhuyễn. Thịt heo nạc vai và ba chỉ được các gia đình lựa chọn làm nhân vì thế bánh có vị béo ngậy.
Những nắm nhân được những đôi bàn tay khéo léo vo tròn đều nhau để đặt trong bánh.
Đậu xanh nhân bánh là đậu vụ mới, loại ngon nhất được nhập từ về từ An Khê – Gia Lai. Đậu được tách vỏ và nấu nhuyễn.
Cứ một lớp gạo, rồi một lớp nhân sau cùng lại một lớp gạo và rồi bánh được gói kín bằng những chiếc lá dong xanh mướt. Ngoài những loại bánh chưng truyền thống, làng Tranh Khúc cũng nhận những đơn hàng đặc biệt như bánh chưng ngọt, bánh chưng có nhân là cá hồi, thịt bò, thịt gà. Đặc biệt còn có những đơn hàng làm chiếc bánh có kích thước lớn, to bằng 4 viên gạch lát nền, nặng đến hàng chục kilogam.
Làm nghề lâu năm, bàn tay người thợ khéo léo đưa nhịp, cứ một lớp gạo - một lớp nhân rồi lại một lớp gạo, thoăn thoắt, không cần khuôn mà vẫn có thể gói rất vuông vức đẹp mắt mà chưa đến 30 giây.
Để có bánh chưng được ráo nước, mềm dẻo, khi luộc người thợ phải để ý thường xuyên, không được để nồi bánh cạn nước.
Mỗi cái bánh phổ biến có giá khoảng 40.000-60.000 đồng tùy kích thước to hơn giá sẽ cao hơn. Mâm cỗ ngày Tết của người Việt không thể thiếu bánh chưng xanh, làng nghề Tranh Khúc là nơi để mọi người lựa chọn, hỏi mua và dâng cúng lên bàn thờ Tổ tiên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!