Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngọc Lan-Thứ tư, ngày 20/11/2024 14:02 GMT+7

VTV.vn - Huy động nguồn tài chính cho việc giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu đang đối mặt với nhiều thách thức, khi đến nay mới đạt 1% mục tiêu đề ra.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP29 đang trong tuần đàm phán thứ hai và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tuần này. Đây còn được coi là "COP tài chính khí hậu" vì mục tiêu được đặt ra ban đầu là tìm nguồn và thu hút các nguồn tài chính để thực hiện các cam kết và tham vọng cắt giảm phát thải khí nhà kính, nguyên nhân làm tăng nhiệt độ bề mặt trái đất, là nguồn cơn gây ra các trận siêu bão và hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, kết quả của các cuộc đàm phán cho thấy, thực tế còn khác rất xa so với mục tiêu và kỳ vọng. Nếu như vậy, các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức trong chặng đường giảm phát thải khí nhà kính.

Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) được tổ chức tại thủ đô Baku của Azerbaijan

Kết thúc ngày tài chính, Thụy Điển công bố đóng góp 730 triệu USD cho Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hợp Quốc. Ngân hàng Phát triển châu Á công bố khoản tài trợ 3,5 tỷ USD cho chương trình mới, giúp chống lại tác động của băng tan. Ngành ngân hàng Azerbaijan sẽ phân bổ 1,2 tỷ USD cho các dự án xanh đến năm 2030. Tiền tài trợ hay tiền cho vay chỉ thực sự có ích nếu nó tới tận tay các nước đang phát triển.

"Nguồn lực của quốc tế sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam, nhưng với điều kiện quá cao và tăng trần nợ công của quốc gia, nên Việt Nam có thể không nhận nguồn lực này", ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại COP29 chia sẻ.

Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Tấn, Phò Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại COP29 cho biết về các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính

"Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, trong năm 2022, các nước phát triển đã cung cấp và huy động tổng cộng khoảng 115,9 tỷ USD để tài trợ cho các quốc gia đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan điểm của Việt Nam là cần thiết lập một định nghĩa rõ ràng và toàn diện về tài chính khí hậu, bởi nếu không có định nghĩa rõ ràng, rất khó trong việc đánh giá mục tiêu 100 tỷ USD đã được đạt hay chưa", bà Chu Thanh Hương, Thư ký Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu tại COP29 cho biết.

Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Bà Chu Thanh Hương, Thư ký Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu tại COP29 chia sẻ các nội dung được thảo luận tại COP29

Cũng theo bà Chu Thanh Hương, tại Hội nghị đối thoại cấp Bộ trưởng lần thứ sáu về tài chính khí hậu trong khuôn khổ COP29 vừa qua, Việt Nam đã đề xuất tài chính khí hậu sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay với lãi suất thị trường, tín dụng xuất khẩu và đầu tư, cũng như các khoản vay có điều kiện ưu đãi như thời gian ân hạn hoặc thời gian hoàn vốn kéo dài.

Việt Nam đã nộp Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2021, cập nhật NDC vào năm 2022. NDC hiện tại của Việt Nam bao gồm hai phần: một phần không có điều kiện, tức là Việt Nam tự thực hiện và một phần có điều kiện, yêu cầu hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh huy động tài chính hiện nay gặp nhiều khó khăn, hợp phần có điều kiện trong NDC có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là về khả năng giám sát và thực thi.

"Để xây dựng NDC 3.0, Việt Nam hướng tới việc điều chỉnh cam kết giảm phát thải trên cơ sở sự tham gia và đồng thuận của các bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Mục tiêu là xác định mức giảm phát thải phù hợp cho giai đoạn mới, từ năm 2025 đến 2035. Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, thể hiện rõ cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26. Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có những định hướng rõ ràng hơn về điều chỉnh cam kết trong NDC 3.0", bà Chu Thanh Hương cho biết thêm.

Trong ứng phó với biến đổi khí hậu, có hai công việc mà Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải thực hiện song song. Một là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hai là có phương thức để chung sống, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay trong ngày 19/11, tại COP 29 đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan, Việt Nam đã ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu cập nhật, kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên theo ba mục tiêu chính. Có 76 nhiệm vụ nâng cao khả năng chống chịu và khả năng thích ứng với hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững. 33 nhiệm vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. 53 nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng với hiệu quả biến đổi khí hậu.

Các nhiệm vụ cụ thể được xác định ưu tiên theo các lĩnh vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, phòng chống thiên tai, xây dựng, giao thông vận tải, công thương, văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin và truyền thông, lao động và xã hội. Bản kế hoạch này được cập nhật từ bản kế hoạch xây dựng năm 2020, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp quốc gia. Trước đó, Việt Nam chỉ xác định có 7 lĩnh vực dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ít hơn so với bản cập nhật.

Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Tại COP 29 đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan,Việt Nam đã ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu cập nhật, kế hoạch xác định 162 nhiệm vụ

"Hiện tại, Việt Nam đang phân bổ khoảng 30% ngân sách chi tiêu công cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ước tính, để đáp ứng các ưu tiên thích ứng, Việt Nam cần dành trung bình ít nhất 3 – 5 % GDP mỗi năm. Tăng cường tài chính khí hậu cho thích ứng cũng là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại COP29. Tuy nhiên, việc điều phối nguồn tài chính khí hậu đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đảm bảo phân bổ công bằng giữa các quốc gia", bà Chu Thanh Hương chia sẻ.

Quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" được thành lập tại Hội nghị COP27 và tiếp tục được hoàn thiện cơ chế hoạt động tại các kỳ họp gần đây. Theo kế hoạch, quỹ này có thể bắt đầu hỗ trợ từ năm 2025, nhưng thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào tiến trình hợp tác giữa các bên liên quan.

"Việt Nam được công nhận là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trong các báo cáo toàn cầu, nhiều khả năng sẽ nằm trong nhóm ưu tiên nhận hỗ trợ từ quỹ. Tuy nhiên, Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc chứng minh mức độ tổn thất và thiệt hại, cũng như năng lực triển khai các dự án một cách hiệu quả và minh bạch", bà Chu Thanh Hương nhấn mạnh.

Khó khăn trong việc huy động tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Để nhận được nguồn tài chính từ quỹ "Tổn thất và Thiệt hại", Việt Nam cần đảm bảo các khoản tài trợ được sử dụng đúng mục đích và phân bổ đến đúng đối tượng chịu ảnh hưởng từ tổn thất và thiệt hại

Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/11/2024, đề ra định hướng huy động nguồn lực đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn lực bao gồm tăng cường sử dụng ngân sách công, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và tài chính toàn cầu, cũng như huy động nguồn vốn tư nhân,...

100 tỷ USD mỗi năm là con số mà các quốc gia phát triển cần phải chi trả cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Con số này đã được cam kết, nhưng cho đến nay, có thực hiện hay không vẫn chưa đạt được về đồng thuận, kiểm đếm. Vì vậy, mục tiêu huy động được 1000 tỷ USD mỗi năm trong bối cảnh hiện nay được nhiều nhà phân tích đánh giá là mục tiêu bất khả thi. Mặc dù trong mấy năm nay, nhiệt độ trái đất nóng lên quá nhanh được cho là nguyên nhân chính gây ra thiên tai xảy ra dồn dập. Hy vọng kết quả cuối cùng tại COP29, sẽ có những bước tiến triển mới để Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác sẽ nhận được những hỗ trợ nguồn lực thỏa đáng để thực hiện các mục tiêu về khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước