COP29: Ngành hàng hải cam kết sử dụng nhiên liệu phát thải thấp
Tại Hội nghị COP29 ở Azerbaijan, hơn 50 lãnh đạo trong ngành hàng hải đã cam kết sử dụng nhiên liệu phát thải thấp cho ít nhất 5% tàu biển vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy nhiên liệu không phát thải carbon.
Hơn 50 lãnh đạo từ các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu, chủ tàu, cảng biển và nhà sản xuất thiết bị đã ký Call to Action kêu gọi đẩy nhanh đầu tư vào nhiên liệu không phát thải. Sáng kiến do Quỹ Liên Hợp quốc khởi xướng, nhấn mạnh vai trò của hydro xanh như nhiên liệu hàng hải hoặc nền tảng cho các nhiên liệu carbon thấp.
Động thái này là tín hiệu mạnh mẽ gửi đến các cơ quan quản lý toàn cầu trước thềm cuộc họp quan trọng của ngành hàng hải vào tháng 4/2025, khi các tiêu chuẩn nhiên liệu và cơ chế định giá khí nhà kính sẽ được thiết lập để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng của ngành hàng hải bằng 0 vào năm 2050. Theo cam kết, sản lượng hydro xanh toàn cầu cần gấp đôi vào năm 2030 để ngành hàng hải đạt mục tiêu tiêu thụ ít nhất 5 triệu tấn hydro xanh.
Hoạt động vận tải hàng hải phát thải tới 3% khí nhà kính trên toàn cầu (Ảnh: Pexels)
Những con tàu biển giảm phát thải
Hoạt động vận tải hàng hải phát thải tới 3% khí nhà kính trên toàn cầu. Việc giảm phát thải trong ngành đang là một mục tiêu quan trọng của hành trình giảm phát thải ròng về 0 của các quốc gia. Trong đó, công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mới đây, một con tàu chở hàng của Anh đang tiến hành thử nghiệm với công nghệ cánh buồm thông minh hiện đại có khả năng tự động điều chỉnh theo hướng gió để có thể giảm tiêu thụ nhiên liệu và khí thải CO2. Công nghệ này của công ty Smart Green Shipping có thể giúp ngành hàng hải trở nên bền vững hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
Tàu Pacific Grebe, một tàu chở nhiên liệu hạt nhân, vừa tiến hành thử nghiệm với cánh buồm thông minh. Cánh buồm thông minh mang tên FastRig của công ty công nghệ hàng hải Smart Green Shipping. Công nghệ này cho phép tàu tận dụng sức gió để giảm tải cho động cơ, từ đó giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải khí CO2. Thử nghiệm lần này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngành hàng hải chiếm khoảng 3% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu, một con số không hề nhỏ khi phần lớn hàng hóa vẫn được vận chuyển qua đường biển. Cánh buồm FastRig được thiết kế theo kiểu dáng của cánh máy bay hơn là buồm truyền thống của du thuyền, với trọng lượng gần 20 tấn.
Bà Diane Gilpin - CEO của Smart Green Shipping cho biết: “Cánh buồm này có thể tự động điều chỉnh theo hướng gió nhờ cảm biến. Nếu gió quá mạnh hoặc quá yếu, nó sẽ tự động hạ xuống để giảm sức cản. Khi tàu vào cảng hay rời cảng, cánh buồm cũng có thể gập lại dễ dàng, hoàn toàn tối ưu cho việc vận hành”.
Công nghệ này đang thu hút sự quan tâm của thị trường khi ngày càng có nhiều quy định về giảm phát thải.
Bà Diane Gilpin - CEO của Smart Green Shipping cho biết thêm: “Ngành hàng hải đang hướng tới các loại nhiên liệu thay thế, nhưng việc này có thể mất hàng thập kỷ và chi phí cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Trong khi đó, gió là một nguồn lực miễn phí và có sẵn, có thể được sử dụng ngay bây giờ để giảm tiêu thụ nhiên liệu và phát thải”.
Công nghệ của FastRig không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho các chủ tàu. Với quy định thắt chặt về phát thải, chi phí nhiên liệu chắc chắn sẽ tăng khi các loại nhiên liệu thay thế được áp dụng. Tuy nhiên, sức gió có thể được tận dụng như một giải pháp bổ sung để giảm chi phí và phát thải ngay lập tức. Theo ước tính của Chính phủ Anh, có khoảng 40.000 tàu, chủ yếu là tàu chở dầu và tàu hàng rời, có thể áp dụng công nghệ này. Những con tàu này đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển hàng hóa như kim loại, ngũ cốc và vật liệu xây dựng trên toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!