COP29 hướng đến thị trường carbon toàn cầu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/11/2024 16:00 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh các vấn đề tài chính, việc xây dựng thị trường carbon toàn cầu cũng là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị COP29.

Các vấn đề trọng tâm của Hội nghị COP29

Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan với sự tham dự của hơn 51.000 đại biểu đến từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kể từ năm 2021 đến nay, các hội nghị COP diễn ra đều đặn mỗi năm một lần, với các vấn đề tuy đã được đề cập đến nhiều lần nhưng vẫn đang là thách thức lớn và ngày càng cấp thiết với thế giới.

Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Hội nghị COP 29 là đưa ra một thỏa thuận mới, đảm bảo tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai. Mục tiêu mới sẽ thay thế cho mục tiêu năm 2009 là huy động 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển vào năm 2020 - một mục tiêu chưa bao giờ đạt được.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 15 năm, các quốc gia sẽ cùng đánh giá lại số tiền cũng như loại hình tài chính mà các nước đang phát triển nhận được để chi trả cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Mukhtar Babayev - Chủ tịch Hội nghị COP29 cho biết: “Các cuộc đàm phán về mục tiêu định lượng tập thể mới về tài chính khí hậu là cơ hội để thiết lập một con đường mới, mở khóa nguồn vốn và xây dựng lại lòng tin giữa các bên”.

Ông Simon Stiell - Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu chia sẻ: “Chúng ta phải nhất trí về một mục tiêu tài chính khí hậu toàn cầu mới. Nếu ít nhất 2/3 các quốc gia trên thế giới không đủ khả năng cắt giảm khí thải nhanh chóng thì mọi quốc gia đều phải trả giá đắt. Nếu các quốc gia không thể xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động. Không quốc gia nào miễn nhiễm”.

Thứ hai, Hội nghị COP29 đã thông qua tiêu chuẩn mới về tín chỉ carbon, đóng vai trò quan trọng trong việc khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn. Hệ thống tín chỉ carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia đã đạt mức giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín chỉ carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác.

Ông Wang Yi - Phó Giám đốc, Ủy ban quốc gia về các chuyên gia biến đổi khí hậu nêu ý kiến: “Trước hết, chúng ta cần thiết lập các quy định toàn cầu và tạo ra một thị trường carbon toàn cầu lý tưởng. Tương lai có thể liên quan đến một hệ thống định giá carbon đa dạng và nhiều giai đoạn. Do đó, điều cần thiết là phải xem xét các giai đoạn phát triển khác nhau của các quốc gia và giải quyết các mối quan tâm khác nhau”.

Thứ ba, COP29 sẽ hướng tới phát triển một hệ thống phân loại xanh phổ quát nhằm mục đích thiết lập các tiêu chí tiêu chuẩn hóa cho đầu tư bền vững trên quy mô toàn cầu.

Ngoài ra, Hội nghị COP29 tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính, đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ.

COP29 hướng đến thị trường carbon toàn cầu - Ảnh 1.

Huy động nguồn tiền cần thiết cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Các phương án huy động nguồn lực tài chính

Hội nghị COP29 có hai nội dung đáng quan tâm. Thứ nhất là huy động nguồn tiền cần thiết cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thứ hai là xây dựng thị trường giao dịch carbon quốc tế.

Trước hết là vấn đề tài chính. Có thể nói là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ngoài nhận thức của các bên thì cũng cần có nguồn tài chính mạnh mẽ để hậu thuẫn, bởi việc thay đổi từ nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng thân thiện với môi trường là quá trình rất lâu dài, tốn kém và đắt đỏ.

1,3 nghìn tỷ USD là đề xuất chi hàng năm cho các biện pháp bảo vệ và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo dự thảo thỏa thuận tài chính mới tại Hội nghị lần này. Dự thảo thỏa thuận ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các nước kém phát triển - chủ yếu là ở châu Phi - đang mong muốn nhận được ít nhất 220 tỷ USD mỗi năm. Các quốc đảo nhỏ đang chống chọi với mực nước biển dâng cao đang tìm kiếm 39 tỷ USD để giải quyết các lỗ hổng liên quan đến khí hậu.

Đã có các phương án huy động nguồn lực tài chính được đưa ra. Phương án đầu tiên được các nước đang phát triển ủng hộ, là kêu gọi tài chính khí hậu được tài trợ độc quyền bởi các nước công nghiệp hóa. Phương án thứ hai được các nước giàu ủng hộ, liên quan đến việc mở rộng nhóm các nước tài trợ để bao gồm các nền kinh tế giàu mới nổi như Trung Quốc. Các đại biểu COP29 sẽ tham dự vào các cuộc đàm phán chuyên sâu để hoàn tất thỏa thuận, với các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ngày 22/11. Kết quả này dự kiến sẽ là một bước quan trọng trong việc điều chỉnh các dòng tài chính toàn cầu với các mục tiêu giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

COP29 hướng đến thị trường carbon toàn cầu - Ảnh 2.

Xây dựng thị trường carbon toàn cầu

COP29 hướng đến thị trường carbon toàn cầu

Bên cạnh các vấn đề tài chính, việc xây dựng thị trường carbon toàn cầu cũng là chủ đề được đặc biệt quan tâm tại hội nghị lần này.

Theo báo cáo thường niên, "Hiện trạng và xu hướng định giá carbon năm 2024" của Ngân hàng Thế giới công bố vào giữa năm nay, vào năm 2023, trên khắp thế giới đã có 75 thị trường carbon đang được vận hành riêng rẽ, với doanh thu định giá carbon đạt mức kỷ lục 104 tỷ USD. Hơn một nửa số doanh thu này được được sử dụng để tài trợ cho các chương trình liên quan đến khí hậu và thiên nhiên.

Các phái đoàn tại COP29 cho biết, trong khi các cơ chế định giá và giao dịch carbon hiện nay đang hoạt động hiệu quả, vẫn cần có một cơ chế mang tính toàn cầu để tối ưu hóa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tạo thuận lợi cho các giao dịch carbon xuyên biên giới. Đây cũng là một trong các nội dung mới rất đáng chú ý tại Hội nghị COP29 năm nay.

Theo các chuyên gia, nếu thị trường carbon hoạt động hiệu quả, nó có thể mang lại hàng trăm tỷ USD cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, sẽ là vô cùng khó khăn để tạo ra một dự án như vậy trong toàn Liên hợp quốc, bởi một thị trường carbon chính thức đòi hỏi các điều kiện rõ ràng, yêu cầu thống nhất và sự hiểu biết của tất cả các quốc gia tham gia về dự án xanh và đơn vị carbon. Nhưng trên thực tế, có những lợi ích khác nhau, có các quốc gia không đồng đều về trình độ phát triển kinh tế. Có nước khai thác nguyên liệu carbon thô, có nước chủ yếu là tiêu thụ. Bởi vậy, theo sáng kiến của phía Nga là bắt đầu triển khai từ các nhóm hẹp. Tại Hội nghị COP lần này, Nga đã đề xuất thành lập một thị trường carbon thống nhất trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Với 10 quốc gia thành viên (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan và Belarus), SCO đã tuyên bố năm 2025 là năm phát triển bền vững, do vậy việc tạo ra một thị trường carbon thống nhất trong các nước thành viên SCO cũng sẽ được xem là một trong những nhiệm vụ của tổ chức này.

Hội nghị COP29 đã đạt được thỏa thuận về quy tắc, phương thức và thủ tục quản lý cho thị trường carbon quốc tế theo Điều 6 khoan 4 của Thỏa thuận Paris. Thỏa thuận này đưa ra các hướng dẫn cho các quốc gia trong việc hợp tác với nhau để đạt được các mục tiêu khí hậu. Từ đây cho đến khi xây dựng được thị trường carbon toàn cầu vẫn là một chặng đường rất dài, nhưng có thể thấy quyết tâm của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước