Kế thừa và linh hoạt điều chỉnh chiến lược phòng chống COVID-19

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/01/2022 19:05 GMT+7

VTV.vn - Kế thừa và linh hoạt điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn là những cách thức chống dịch của Việt Nam trong năm vừa qua.

Với sự bất định, khó lường, đợt dịch COVID-19 trong năm qua diễn biến rất nhanh và phức tạp. Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, nhất là sức khỏe, tính mạng của người dân. Chính vì thế, các biện pháp phòng chống dịch được kế thừa và liên tục điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn.

Giai đoạn đầu khi chưa có vaccine, dịch xâm nhập các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, Việt Nam đã phải áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt, nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện ''mỗi xã, phường là một pháo đài, người dân là chiến sĩ''. Hơn 300.000 nhân lực y tế, quân đội, công an được điều động hỗ trợ các địa phương giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Kế thừa và linh hoạt điều chỉnh chiến lược phòng chống COVID-19 - Ảnh 1.

Kể từ khi có vaccine, chiến dịch tiêm chủng được gấp rút triển khai, đẩy nhanh tốc độ chưa từng có, ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền. Ngoài các điểm tiêm cố định còn có các đội tiêm lưu động. Quy trình khám sàng lọc trước tiêm được đơn giản hóa. Nhờ đó, dịch bắt đầu suy giảm từ tháng 9 và tương đối ổn định trong tháng 10. Từ chỗ tỷ lệ tiêm rất thấp, Việt Nam đã vượt lên là một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, với hơn 90% dân số trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản.

Về phân tầng điều trị, khi có quá nhiều bệnh nhân cùng lúc ở nhiều mức độ khác nhau, TP Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình 5 tầng nhưng có tới 1/3 tử vong trong vòng 48 tiếng nhập viện, việc chuyển tầng bị tắc nghẽn. Vì thế, thành phố đã điều chỉnh từ mô hình 5 tầng xuống 3 tầng, tạo sự thông suốt cho điều trị. Đặc biệt, việc củng cố y tế tuyến cơ sở, nhất là khi có mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng cùng hàng nghìn trạm y tế lưu động được thiết lập ở các phường, xã đã làm tăng khả năng tiếp cận F0 chuyển nặng, cấp cứu được nhiều trường hợp kịp thời.

Kế thừa và linh hoạt điều chỉnh chiến lược phòng chống COVID-19 - Ảnh 2.

Ngay cả khái niệm về F0 và F1 cũng đã được điều chỉnh. Theo đó, chỉ cần test nhanh dương tính đã có thể tính là F0, các đối tượng F1 cũng được thu hẹp so với trước đây. Thời gian cách ly với F0 đã tiêm đủ liều kể từ khi dương tính đến lúc có kết quả âm tính chỉ trong 10 ngày. Còn F1 chỉ còn 7 ngày. Sự điều chỉnh này không chỉ giúp các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, quản lý hiệu quả F0 trong bối cảnh cả nước thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn mà còn giúp giảm tải áp lực cho ngành y tế.

Các chuyên gia về phòng chống dịch bệnh cho rằng: Để nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 trong năm 2022 phải dựa vào những căn cứ khoa học và tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, diễn biến của dịch trong thời gian tới vẫn phức tạp và khó lường, vì vậy người dân vẫn phải tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch.

Dù gây triệu chứng nhẹ hơn và ít nguy hiểm đến tính mạng hơn các biến thể trước, tuy nhiên Omicron vẫn là biến thể siêu lây nhiễm, đang gây ra làn sóng dịch mới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục, gây ra nhiều hệ lụy đối với nhiều khía cạnh của đời sống.

Thế nhưng tư duy ứng phó với dịch của các nước cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Bên cạnh các biện pháp như áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế tụ tập, yêu cầu xuất trình hộ chiếu vaccine vốn đã được áp dụng trước đó, các nước đã có một số điều chỉnh trong chiến lược chống dịch.

Vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm

Nhiều nước đang đặt cược vào các mũi tiêm tăng cường với hy vọng có thể bảo vệ người dân trước biến thể Omicron.

Israel thậm chí đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm mũi thứ tư cho những người bị suy giảm miễn dịch, người trên 60 tuổi và nhân viên y tế.

Trong khi đó, Mỹ có kế hoạch sẽ tăng gấp đôi đơn đặt hàng mua thuốc kháng virus của Pfizer để điều trị COVID-19, duy trì các điểm xét nghiệm miễn phí, tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng hơn các điểm xét nghiệm này.

Dỡ bỏ hạn chế đi lại

Mỹ, Anh và nhiều nước đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại với các quốc gia ở châu Phi cũng như nhiều nước được liệt vào danh sách "nguy cơ cao".

Các quy định nhập cảnh cũng được nới lỏng. Ví dụ tại Anh, kể từ ngày 7/1, người đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần phải làm xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào nước này. Kể từ 9/1, thay vì phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai sau khi nhập cảnh, những người tới Anh sẽ chỉ cần phải làm xét nghiệm nhanh.

Những bước đi này cho thấy quan điểm chung của nhiều nước nước đó là Omicron đã lây lan nhanh trên khắp thế giới, do đó việc hạn chế đi lại không còn ý nghĩa, cũng sẽ không tác động đáng kể đến số ca bệnh. Chiến lược ngăn chặn giờ đã không còn phù hợp.

Điều chỉnh quy định cách ly

Mỹ, Canada và một số quốc gia châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Italy đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người nhiễm COVID-19 đã tiêm vaccine hoặc những người tiếp xúc với ca dương tính. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu nhân sự trong nhiều ngành nghề đối với kinh tế và xã hội, đặc biệt là thiếu nhân viên y tế.

Trong khi đó, Nhật Bản, Singapore cũng cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại nước này được phép tự điều trị tại nhà thay vì phải đến các cơ sở y tế như trước đó. Việc tự điều trị tại nhà sẽ giúp làm chậm sự lây lan của biến thể mới đồng thời giảm áp lực cho hệ thống y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước