Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, từ ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đã lan ra một số tỉnh, thành phố trong đó có Hà Nội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống dịch; để nhanh chóng kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 sớm, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, người dân Hà Nội phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, không ra khỏi nhà khi không cần thiết. "Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời" - Chỉ thị nêu rõ.
Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội quyết định dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: Karaoke, quán bar, vũ trường, Game, Internet phải tạm dừng hoạt động cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của Thành phố. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát, là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp, cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu người dân hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.
Tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.
Tại các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động sản xuất khi đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (như siêu thị, chợ, nhà ga....) phải có phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, tự trang bị các phương tiện, vật tư phòng, chống dịch cần thiết. Giải tỏa ngay quán nước lấn chiếm vỉa hè, tụ tập đông người; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các vi phạm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định.
Tính đến sáng 3/2, Hà Nội ghi nhận 21 ca mắc COVID-19 liên quan đến các ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương. Hiện có 10 khu vực trên địa bàn thành phố đang bị phong tỏa, gồm: ngõ 86 phố Duy Tân và phòng Công chứng số 3, quận Cầu Giấy; thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; tòa nhà T6, khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng; ngõ 92 đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy; ngõ 49 phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy; trường Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; nhà máy Z153, huyện Đông Anh; Đại học FPT, huyện Thạch Thất và chung cư Dream Land, quận Nam Từ Liêm.
Để phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, toàn bộ học sinh, sinh viên được nghỉ học từ ngày 1/2, chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến; các dịch vụ karaoke, quán bar, quán game, Internet bị yêu cầu dừng hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!