Nhiều năm ở cương vị lãnh đạo, những quyết định liên quan đến mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt được ông Mạnh đưa ra không phải là ít. Nhưng việc triển khai phương án hợp nhất 2 Công ty cổ phần vận tải Hà Nội và Công ty cổ phần vận tải Sài Gòn có lẽ là một trong những quyết định cân não nhất.
''Chúng tôi trăn trở nhất đó là sự tác động đến người lao động và đặc biệt là người lao động trực tiếp. Sắp xếp lại mô hình tổ chức thì sẽ ảnh hưởng dây truyền đến công ăn việc làm'', ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
2 đơn vị hợp nhất cũng có nghĩa cơ cấu tổ chức giảm đi một nửa. Sẽ có những người không giữ được cương vị của mình đang nắm giữ. Ông Toàn là một trong số đó. Từ vị trí trưởng phòng, khi cơ cấu lại, ông đảm nhiệm vai trò của cấp phó. Tuy nhiên ông nhận thấy hiệu quả công việc chung tăng lên.
Ông Trương Quang Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý phương tiện, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt cho biết: ''Tập hợp thành một thì phương tiện sẽ là tài nguyên chung. Trước đây thì phải thuê và thứ hai là thủ tục cũng mất thời gian. Thay vì việc đấy thì bây giờ xe Hà Nội chạy vào Sài Gòn gặp trục trặc thì mình có thể lấy ngay xe của Sài Gòn để sử dụng và ngược lại''.
Hợp nhất 2 công ty Cổ phần vận tải cũng chỉ là một phần của kế hoạch tái cơ cấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt ra từ nhiều năm nay. 2 năm trước, 5 đơn vị đầu máy được tinh gọn thành 3 đơn vị. Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 cũng được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 Ban quản lý dự án.
Sáp nhập cũng có nghĩa đầu mối được thu gọn. Các bộ phận tập trung về một nơi. Tối ưu hóa hoạt động đã giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Chỉ tính riêng việc tinh gọn 5 đơn vị đầu máy thành 3 đơn vị, ngành đường sắt đã tiết kiệm được 134 tỷ đồng mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!