Trung bình hàng năm, nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 1.000 tỉ đồng, góp phần giảm áp lực chi ngân sách Nhà nước cho đầu tư lâm nghiệp. Không chỉ hộ dân có rừng mà cả cộng đồng dân cư gần rừng cũng được hưởng lợi.
Ông Lê Mạnh Thăng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, cho biết: “Sau 5 năm thực hiện Nghị định 99, tỉnh Sơn La đã thu được hơn 400 tỷ đồng để hỗ trợ quản lý bảo vệ trên 600.000 ha rừng của tỉnh. Bước đầu, chính sách đã tạo nguồn quản lý bền vững cho bảo vệ phát triển rừng, góp phần ổn định đời sống người dân làm nghề rừng. Đặc biệt, tại các bản, hơn 50% tổng số tiền được chi trả cho những cộng đồng. Thay vì phải đóng góp tiền, cộng đồng sẽ trích một phần để đầu tư xây dựng công trình nông thôn mới. Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 1.000 công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí này".
Sau khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trên địa bàn tỉnh Sơn La, hiện có gần 2.000 tổ, đội bảo vệ rừng đã được thành lập mới. Theo Thống kê của Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, bình quân đạt gần 6%/năm; độ che phủ rừng tăng 0,7%; khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng bền vững; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng gấp hơn 2,5 lần.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.