Bộ Xây dựng vừa ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Đà Nẵng bao gồm các khu bến chính như Tiên Sa, Liên Chiểu, Thọ Quang, Mỹ Khê, bến cảng huyện đảo Hoàng Sa, cùng với các khu neo đậu, khu chuyển tải và khu tránh trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Đà Nẵng sẽ đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua từ 23 - 29 triệu tấn, trong đó hàng container ước đạt từ 1,33 - 1,71 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế. Đối với lĩnh vực vận tải hành khách, cảng dự kiến phục vụ từ 532 nghìn - 597 nghìn lượt khách.
Về kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng sẽ phát triển từ 12-15 bến cảng, với 20-23 cầu cảng có tổng chiều dài dao động từ 4.220,3m - 5.745,3m (không bao gồm các bến cảng khác).
Trong giai đoạn phát triển tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển sẽ tiếp tục được mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng dự kiến từ 4,5% - 5,5% mỗi năm.
Về kết cấu hạ tầng, khu bến cảng Liên Chiểu sẽ được đầu tư và hoàn thiện với quy mô 22 bến cảng, bao gồm: 8 bến cảng lỏng/khí, phục vụ xuất nhập khẩu nhiên liệu và các loại hàng hóa hóa lỏng; 8 bến cảng container, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; 6 bến cảng tổng hợp và hàng rời, đồng thời phát triển thêm bến container theo nhu cầu thực tế trong từng giai đoạn.
Sau năm 2030, khu bến Tiên Sa sẽ từng bước chuyển đổi công năng, trở thành bến cảng du lịch, phù hợp với lộ trình phát triển của khu bến Liên Chiểu.
Về nhu cầu sử dụng đất và mặt nước, theo quy hoạch đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất cho hệ thống cảng biển Đà Nẵng ước tính khoảng 167 ha, chưa bao gồm diện tích dành cho các khu công nghiệp, logistics và các khu vực phát triển khác có liên quan trực tiếp đến cảng.
Bên cạnh đó, tổng nhu cầu sử dụng mặt nước dự kiến khoảng 16.800 ha, bao gồm cả những khu vực thuộc phạm vi quản lý nhưng không bố trí công trình hàng hải. Việc quy hoạch sử dụng đất và mặt nước được thực hiện nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa hệ thống cảng biển với các ngành kinh tế liên quan, đồng thời bảo vệ và khai thác hiệu quả không gian biển của thành phố.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 23.335 tỷ đồng. Gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 6.505 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 16.830 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Để đảm bảo nguồn lực cho việc phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp tiếp tục hoàn thiện cơ chế và các điều kiện để huy động đa dạng các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch và thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền huy động nguồn lực; khai thác nguồn lực từ quỹ đất, mặt nước, nguồn thu từ cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng đầu tư từ nguồn ngân sách.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển. Tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!