Chất lượng dân số - cái gốc của mọi sự phát triển

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/05/2022 21:13 GMT+7

VTV.vn - Mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, bệnh tan máu bẩm sinh tăng, hàng loạt vấn đề ảnh hưởng chất lượng dân số đang có nguy cơ trầm trọng hơn.

Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động

Ngoài làm ruộng, anh Nguyễn Văn Nam (xã Minh Sơn, Hữu Lũng, Lạng Sơn) làm thêm thợ xây, còn vợ đi làm lao động thời vụ. Vất vả nhưng cũng nhờ bố mẹ hỗ trợ, động viên, sau lần sinh thứ 3 vẫn là con gái, lần thứ 4 gia đình được toại nguyện.

Ở huyện Hữu Lũng - dải đất nối liền trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tỷ số giới tính khi sinh là 121 trẻ trai/100 trẻ gái, cao nhất tỉnh Lạng Sơn. Riêng xã Minh Sơn, từ đầu năm đến nay, tổng sinh là 29 bé, trong đó có 20 trẻ trai. Điều đáng nói, gần 10 trẻ là con thứ 3 trở lên và mong muốn có con trai không chỉ ở gia đình một bề.

Ở trường mầm non của xã, lớp nào số trẻ trai cũng cao hơn số trẻ gái. Đặc biệt lớp trẻ 5 tuổi này, sĩ số 27 thì có tới 18 bé trai. Nhiều bé là con thứ 3, thứ 4, thậm chí đã có anh trai.

Mất cân bằng giới tính khi sinh với tình trạng thừa nam, thiếu nữ, trong tương lai không xa, sẽ để lại những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội. Nguy cơ thường trực nhưng hậu quả chưa hiện hữu thế nên tình trạng này vẫn đang ở mức đáng báo động.

Mất cân bằng giới tính khi sinh chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng chất lượng dân số hiện nay. Còn một vấn đề cũng đang nổi lên, rất đáng lo ngại, đó là tình trạng tảo hôn.

Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ nam giới tảo hôn là hơn 20%, nữ giới cao hơn với tỷ lệ 23,5%. Trung du miền núi phía Bắc có tỷ lệ tảo hôn cao hơn hẳn các vùng khác. Giữa tảo hôn và thất học, suy giảm chất lượng cuộc sống có mối quan hệ mật thiết, thậm chí là vòng luẩn quẩn. Chúng ta vẫn thường nghĩ đây là vấn đề ở vùng sâu vùng xa nhưng thực tế thì nó đang diễn ra ngay cả ở thành phố.

Thành phố cũng có tảo hôn

Ở thành phố Lạng Sơn, những cặp vợ chồng về ở với nhau khi chưa thành niên không còn hiếm. Như gia đình tại xã Hoàng Đồng này đã làm lễ thành hôn cho con trai cách đây 2 năm, khi chưa đến 20 tuổi với cô gái mới bước qua tuổi 16, đang học dở lớp 10.

Những người làm công tác dân số đều hiểu dù có tuyên truyền như thế nào đi nữa, khi 2 gia đình đã quyết định thì việc can thiệp là rất khó. Nhất là khi con trẻ đưa bố mẹ vào tình thế đã rồi thì không còn cách nào khác. Có một cách nói vui, hài hước nhưng khá đúng với thời bây giờ là "con đặt đâu cha mẹ ngồi đó".

Nhiều nguyên nhân khách quan đã được chỉ mặt đặt tên như là giờ dậy thì sớm, internet phổ biến, trang web đen nhiều... nhưng một giải pháp khá quan trọng đó là dịch vụ phòng tránh thai thân thiện thì gần như không có. Trong khi các bạn trẻ chẳng ai vào trạm y tế để tìm hiểu hoặc lấy phương tiện tránh thai.

Tảo hôn là một vấn đề xã hội của quốc gia nên cần có cách tiếp cận giải quyết ở tầm quốc gia.

Cùng việc bổ sung chỉ tiêu chống tảo hôn vào các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số thì quan trọng còn là nhân rộng mô hình điểm hiệu quả, từng bước mở rộng và tiến tới phổ cập cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Còn một vấn đề nổi cộm bấy lâu nay ảnh hưởng dai dẳng đến chất lượng dân số phải kể đến nữa là bênh tan máu bẩm sinh hay tên khoa học là bệnh Thalasermi.

Việt Nam hiện có tới 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gen bệnh nguy hiểm này, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Và có trên 20.000 người ở mức độ nặng cần điều trị cả đời. Trong khi đó, việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức và các giải pháp phòng ngừa vẫn đang rất khó khăn.

Nan giải số mắc tan máu bẩm sinh tăng

Từ lúc sinh ra, luôn gầy yếu với nước da trắng nhợt nhạt nhưng cô bé 14 tuổi người Tày này mới được phát hiện mắc tan máu bẩm sinh cách đây 5 năm, sau 1 lần bị ngã phải vào viện. May mắn là ở thể nhẹ nên lúc đầu 3 tháng truyền máu 1 lần, rồi cách 6 tháng. Nhưng cả năm qua, do mẹ mang bầu em thứ ba, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên em chưa được tái khám.

Phải nghe bác sỹ giải thích nhiều lần người mẹ mới hiểu phần nào nguyên nhân bệnh của con. Còn hàng xóm cũng như người dân trong bản chẳng ai tin đây là bệnh do nhận gen di truyền của bố và mẹ.

Theo một khảo sát tại tỉnh Lạng Sơn, trong số người Tày Nùng thì có tới 27% mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Trong khi dân tộc này chiếm hơn 70% dân số của tỉnh. Điều này cho thấy rõ hơn nguy cơ hiện hữu thêm nhiều trẻ sinh ra mắc bệnh. Năm 2020 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn quản lý hơn 900 trẻ từ 3 tháng đến 15 tuổi bị tan máu bẩm sinh, thì năm vừa rồi con số này đã tăng lên hơn 1.200 trẻ.

Bệnh có thể phòng ngừa với biện pháp hữu hiệu là tầm soát tiền hôn nhân và tiền thai sản dựa vào xét nghiệm máu. Nhưng việc này ngay cả thành phố tuyên truyền còn khó chứ chưa nói đến những người dân tộc thiểu số.

Khó nhưng vẫn rất cần tiếp tục tuyên truyền để không còn nữa những nỗi đau mang tên bệnh, ảnh hưởng chất lượng dân số. Quan trọng nhất vẫn là xét nghiệm tầm soát trước khi kết hôn để xác định có mang gen bệnh hay không, từ đó lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai. Khi đã mang thai thì nên tầm soát trước sinh. Và sàng lọc sơ sinh cũng có thể phát hiện sớm các bất thường để điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước