Bến bãi vật liệu xây dựng không phép: Dân phải "bán xới", chính quyền ở đâu?

Nguyễn Hùng-Thứ tư, ngày 16/12/2020 11:23 GMT+7

VTV.vn - Nguy hiểm, ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà đi nơi khác. Chính quyền biết rõ nhưng thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm. Đó là thực tế tại khu vực Kênh Năng (Tiền Giang).

Lộn xộn bến vật liệu trên Kênh Năng

Nhà cửa bị vây bởi những núi cát đá. Sạt lở khiến nhiều gia đình phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Bụi bặm, tiếng ồn bất kể giờ giấc. Đây là thực tế cuộc sống hàng ngày của người dân tại, xã Tân lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang mà cách đây hơn 2 năm đã từng phản ánh. 4 bến vật liệu xây dựng hoạt động không phép tồn tại tới nay đã 7 năm. Người dân bức xúc, chính quyền địa phương biết, cơ quan quản lý biết nhưng các bến bãi vẫn hoạt động như vô hình.

Từ 2h tiếng máy múc, động cơ sà lan, xe tải đã bắt đầu gầm rú tại bờ đông kênh Năng. Khi mặt trời lên, đợt tập kết cát đầu tiên từ sà lan lên bờ cũng sắp xong. Những chiếc sà lan lặc lè cát khác lại thế chỗ. Toàn bộ mặt nước Kênh Năng gần 1km đã bị 4 doanh nghiệp chia nhau sử dụng.

Bến bãi vật liệu xây dựng không phép: Dân phải bán xới, chính quyền ở đâu? - Ảnh 1.

Sà lan neo đậu san sát chờ lên cát, đá chiếm gần hết mặt kênh. Ảnh: Báo Giao thông

Dưới sông thì sà lan hàng ngàn tấn, trên bờ thì bãi át đá ngút trời, máy múc, xe tải hoạt động như con thoi. Tiếng ồn, bụi bặm, những chiếc xe tải lớn chạy nghênh ngang rất nguy hiểm và gây bức xúc cho người dân hàng ngày.

Khi phát hiện ống kính máy quay, các chủ bãi ngưng lên cát đá từ tàu. Những đối tượng xăm trổ chạy xe máy theo sát hoạt động của phóng viên dò hỏi, quay phim, chụp hình hù dọa.

Người dân ở đây cho biết, từ 2h - 3h, những tàu cát và những chiếc cần cẩu đã hoạt động ầm ầm suốt ngày đêm và họ đã phải chịu đựng tình cảnh này suốt 7 năm qua.

Cách đây hơn 2 năm, tháng 4/2018, Chuyển động 24h đã từng phản ánh về những bất cập của những bến bãi này. Khi đó, các vi phạm của 4 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng là không có giấy phép bến thủy nội địa (không được neo đậu lên xuống vật liệu tại Kênh Năng); lấn chiếm hành lang giao thông thủy và bộ đặc biệt hoạt động tập kết vận chuyển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Vậy nhưng sau 2 năm, những bất cập quản lý tại khu vực này vẫn chưa có gì thay đổi, ô nhiễm, bụi bặm, ồn ào vẫn như trước. Thậm chí, trong biên bản tại khoảng thời gian đó, chính quyền địa phương cam kết đến 30/4/2017 sẽ trả lời cho dân, di dời những bãi vật liệu này đi nơi khác nhưng đến tận hôm nay, các bến bãi này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Các bến vật liệu không phép có được "ưu ái"

Theo thống kê của Sở GTVT Tiền Giang, đến thời điểm này, trong 4 doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại bờ Đông Kênh Năng chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp giấy phép bến thủy nội địa có thời hạn 6 tháng và giấy phép đã hết hạn từ năm 2016. Còn 1 doanh nghiệp hoạt động bến thủy hoàn toàn không giấy phép. Tuy nhiên, thực tế, không có phép thì 7 năm qua, các doanh nghiệp vẫn hoạt động bến bãi hết công suất.

Bến bãi vật liệu xây dựng không phép: Dân phải bán xới, chính quyền ở đâu? - Ảnh 2.

Tuyến đường trở thành ngỏ cụt, do bãi VLXD chắn bít lối đi. Ảnh: Báo Giao thông

Khi những hoạt động tập kết vận chuyển không được kiểm soát gây bức xúc, nhiều người dân đã gửi đơn tới các cấp chính quyền tỉnh Tiền Giang nhưng rồi nhiều năm qua, các bến bãi vẫn hoạt đông như không hề chịu sự kiểm soát, quản lý nào.

Các bến bãi vật liệu hoạt động bất kể ngày đêm, tiếng ồn và bụi bặm từ việc lên xuống, vận chuyển cát đá…là những thực tế gây bức xúc hàng ngày cho người dân. Tuy nhiên, với lãnh đạo huyện Tân Phước, đó lại là việc… rất bình thường.

"Sở GTVT người ta có kiểm tra rồi, Sở TNMT cũng trao đổi với huyện rồi, Huyện cũng thành lập tổ kiểm tra rồi, tổ kiểm tra cũng đã làm việc với DN, kiêm tra tiếng ồn các thứ rồi. Kết quả kiểm tra hiện đã xong hết rồi đấy" - ông Đoàn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, Tiền Giang khẳng định.

Các công đoạn đều đã làm xong, việc bây giờ là chờ kết quả tổng hợp để báo cáo lên tỉnh là hoàn thành. Còn việc có phép hay không phép không thuộc phạm vi của huyện, phóng viên muốn biết thì… liên hệ với Sở GTVT tỉnh. Trong khi đó, tàu bè, sà lan vẫn tập kết, vận chuyển vật liệu vẫn bình thường.

Theo ông Phan Vĩnh Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, hiện các doanh nghiệp này không được cấp giấy phép bến thủy nội địa mà chỉ được phép neo đậu tạm thời, không được phép lên xuống hàng hóa. Còn việc kiểm tra xử phạt ngoài Sở GTVT còn nhiều cơ quan liên quan khác. Nếu có sai phạm thì lúc nào đi kiểm tra mới phát hiện xử lý được. Còn chuyện bao che chỉ là nghi ngờ thôi chứ không ai chủ trương như vậy.

Rõ ràng việc hoạt động bến bãi không có phép, vi phạm kéo dài, nhiều lần, lặp đi lặp lại thì cơ quan chức năng hoàn toàn đủ cơ sở để có biện pháp quyết liệt như rút giấy phép, cưỡng chế, di dời. Nhưng đáng tiếc, các cơ quan chức năng không biết vì lý do gì đã không thực hiện được như vậy.

Theo thống kê của Sở GTVT Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 76 bến thủy nội địa hoạt động không phép, trong đó, bến khai thác vật liệu chiến tới 33 bến. Toàn bộ 4 doanh nghiệp Đại Phước Thành, Hương An Khang, Hoàng Minh, Hữu Đức trên tuyến Kênh Năng đều không có giấy phép bến thủy nội địa. Không biết bao nhiêu năm nữa, hoạt động bến bãi tại Kênh Năng mới được chấn chỉnh nhưng thực tế, nhiều hộ dân đã phải bỏ nhà đi nơi khác vì sạt lở và ô nhiễm.

Bỏ nhà vì bến cát

Năm 2018, vị trí cột điện vẫn còn 3m nữa mới đến mép nước. Nhưng sau 2 năm, sạt lở đã ăn sâu trơ chân cột điện, chỉ chờ đổ. Thêm 2 hộ dân đã phải bỏ nhà đi nơi khác để giữ an toàn.

Mỗi lần sà lan quay đầu, tiếng máy gầm rú, nước kênh cuồn cuộn. Dấu vết va chạm, cày xới dày đặc bên bờ. Chủ căn nhà này đã bỏ đi gần 2 năm nay. Lỗ thủng ở tường là dấu vết va chạm của sà lan để lại.

Hoạt động của tàu bè, bến bãi không được kiểm soát gây sạt lở nguy hiểm cho người dân, sạt lở đường giao thông nhưng theo lãnh đạo huyện Tân Phước, đây là việc… đương nhiên.

Thậm chí, ông Đoàn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, Tiền Giang còn lý giải rằng, cao điểm 1 ngày có thể đến 5, 7 chục chiếc do đó việc sạt lở theo kênh là đương nhiên. Khi sạt lở, các giải pháp có rồi như kè, di dời là rất rõ ràng, mà từ trước tới nay chưa có người dân nào thưa việc sạt lở cả.

Nếu coi sạt lở là đương nhiên, tàu bè, bến bãi hoạt động cũng là đương nhiên dẫn tới một thực tế là nghiễm nhiên khi những bến bãi hoạt động ngày càng lớn mạnh, những người dân bị bỏ lại phía sau cùng những ước mơ dang dở càng nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước