Dấu ấn ẩm thực Việt trên quốc tế
Bên cạnh giá trị về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, sự độc đáo, hấp dẫn của ẩm thực tại điểm đến cũng được xác định là một trong những yếu tố quan trọng tạo động lực thúc đẩy du lịch. Sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng cùng những tinh hoa trong cách chế biến, thưởng thức được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch ẩm thực, biến ẩm thực thành lợi thế thu hút khách.
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (World Food Tourism Association - WFTA), có tới 81% số du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương. Họ sẵn sàng dành trung bình 25 - 35% ngân sách cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong hành trình du lịch.
Thống kê này cho thấy, ẩm thực không còn chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà đã dần trở thành một trong những mục đích chính của các chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ tới quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách.Taste Atlas - chuyên trang về ẩm thực nổi tiếng thế giới - công bố, Việt Nam xếp thứ 22 trong danh sách 100 nền ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023.
Chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel + Leisure của Mỹ đã gọi tên Việt Nam là điểm đến có nền ẩm thực hấp dẫn khu vực châu Á năm 2023.Độc giả của nền tảng du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor đã bình chọn Hà Nội là một trong 20 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới năm 2023. Tất cả những danh hiệu được tạo nên bởi những món ăn trứ danh.
Bánh mì của Việt Nam lọt vào danh sách 24 món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới theo bình chọn của hãng tin CNN. Món ăn dân dã này cũng đứng thứ 6 trong Top 10 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của trang ẩm thực Taste Atlas - được ví như "bản đồ ẩm thực toàn cầu".
Tờ tạp chí National Geographic (Mỹ) từng bình chọn đây là "Món ăn đường phố ngon nhất thế giới". Trong khi Tờ Guardian của Anh cũng từng mô tả bánh mì "ngon nhất thế giới" trên đường phố Việt Nam.
Đẩy mạnh nguồn nhân lực ẩm thực việt để phát triển du lịch
Nhiều chuyên gia văn hóa, du lịch thường gọi ẩm thực Việt Nam là "bếp ăn của Thế giới" với nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn cả về hình thức lẫn hương vị đã thu hút đông đảo du khách đến với các vùng miền địa phương. Với nền ẩm thực đa dạng và hấp dẫn chúng ta hoàn toàn có thể nâng tầm ẩm thực trở thành một trong nhiều sứ giả văn hóa để tạo hứng khởi cho bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
Và bằng nhiều cách khác nhau, ẩm thực Việt đã và đang thực sự là một cầu nối văn hóa với bạn bè bốn phương. Tuy nhiên, yếu tố then chốt và cốt lõi chính là con người, việc bổ sung, nâng cao và đa dạng nguồn nhân lực trong ngành ẩm thực là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất bởi sự kỹ lưỡng, chỉn chu trong các món ăn đặc trưng, đòi hỏi các nghệ nhân, đầu bếp không chỉ thuần thục trong cách chế biến, mà còn cần hiểu về ý nghĩa của mỗi món ăn để giữ được vẹn nguyên hương vị đặc trưng và giá trị văn hóa theo dòng chảy thời gian, từ đó lan tỏa ẩm thực Việt và thúc đẩy thu hút, phát triển du lịch.
Quảng bá ẩm thực qua nền tảng số
Trước đây, nếu quý vị muốn tìm hiểu trước về các địa điểm du lịch chỉ thể tham khảo qua tivi, radio, tranh, ảnh. Nhưng nay, chúng ta chỉ cần một chiếc điện thoại, ngồi lướt web, mạng xã hội là hàng triệu thông tin, hình ảnh, video rất sinh động, thực tế đã hiện ra trước mắt. Nhiều người nhờ mạng xã hội, không cần đi thực tế cũng nắm rõ các điểm du lịch, các món ăn thích hợp để lên lịch trình trải nghiệm.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thưởng thức cafe vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh. Bún chả là món ăn mà Cựu Tổng thống Mỹ Obama và đầu bếp Anthony Bourdain thưởng thức, Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thì lựa chọn ăn bánh mỳ vỉa hè tại Đà Nẵng.
Hình ảnh các vị chính trị gia, người nổi tiếng trên toàn thế giới thưởng thức món ăn Việt Nam khi được lan tỏa trên mạng xã hội, internet đã mang sự chú ý và thu hút thêm nhiều du khách mong muốn đến Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa cũng như ẩm thực.
Không chỉ các du khách quốc tế, những du khách Việt Nam khi đến với mỗi một tỉnh thành nào đó để tìm kiếm những quán ăn phù hợp với khẩu vị của mình nhất đều lên các phương tiện mạng xã hội để xem. Những nhà sáng tạo nội dung cũng là những người góp phần để truyền tải các câu chuyện văn hóa, điểm đặc trưng của các món ăn từng vùng miền đến với mọi người.
Cùng với đó các địa phương cũng có sự vào cuộc khi nhận thấy nền tảng số là xu hướng du khách dùng để tìm hiểu văn hoá, ẩm thực địa phương. Tại Hà Nội, những đầu tàu về du lịch của Thủ Đô như quận Hoàn Kiếm hay quận Tây Hồ đều đã đưa vào vận hành những trang tin, ứng dụng du lịch số cung cấp nhiều thông tin cho du khách.
Với sự phát triển không ngừng của nền tảng số chính là một cánh cửa đưa ẩm thực của Việt Nam lan tỏa trên toàn cầu. Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định du lịch ẩm thực là một dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu cho du lịch Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!