TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Trúng đậm mùa cá cơm, ngư dân Quảng Ngãi vui đón Tết

Kim Dung (VTV8)Cập nhật 16:23 ngày 30/01/2019

VTV.vn - Trúng "lộc biển" vào những ngày giáp Tết, giúp nhiều ngư dân tại tỉnh Quảng Ngãi có thêm nguồn thu nhập, vui Xuân đón Tết được sung túc hơn.

Khoảng từ 4h sáng đến 12h trưa, tại cảng cá huyện Lý Sơn và Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) có rất nhiều tàu cập bến để bán cá cơm. Cá cơm vừa lên bờ đã được các thương lái đặt mua nhanh chóng nên ngư dân không lo "ế" hàng. Giá cá cơm hiện từ 16 - 17 nghìn đồng/kg, nhỉnh hơn so với năm ngoái.

Tàu hành nghề đánh bắt cá cơm là những tàu có công suất nhỏ. Trung bình sau một đêm, các tàu đánh bắt được từ 4 - 5 tấn cá cơm. Với giá bán như hiện nay, nhiều chủ tàu và ngư dân đi biển có nguồn thu nhập tương đối khá. Anh Nguyễn Tùng, chủ tàu cá QNg 96689TS ở xã An Hải (Lý Sơn) cho biết, chỉ cần ra khơi khoảng 20 hải lý, nhiều tàu cá đã gặp được luồng cá cơm lớn. Thời tiết thuận lợi nên việc đánh bắt cũng suôn sẻ. Cá cơm được đánh bắt gần bờ, rất tươi ngon.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, mùa biển năm 2018, ngư dân trong huyện khai thác được gần 34.000 tấn hải sản các loại. Chưa có con số thống kê cụ thể về số tàu đang hành nghề đánh bắt cá cơm trên biển, song trong những ngày cận Tết này, ngư dân trong huyện trúng nhiều mẻ cá cơm lớn, tạo khí thế cho mùa biển mới.

Thông thường, mùa cá cơm bắt đầu từ tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt cá cơm tương đối lớn. Cá cơm sau khi đánh bắt được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh thành khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nguồn cá cơm dồi dào, không chỉ giúp ngư dân có thêm nguồn thu nhập, mà khâu dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ cũng ăn nên làm ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.