Cao hơn 2500m, đỉnh Ngọc Linh tiếp giáp giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn. Dưới bóng núi trùng điệp ấy, đồng bào Ca Dong, Xê Đăng đã sáng tạo ra kho tàng văn hóa dân gian rất đặc sắc. Tại làng Măng Tó, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có một nghệ nhân đã sưu tầm, chế tác ra hàng chục loại nhạc cụ rất độc đáo, trong đó có bộ đàn đá, đàn nước – những loại nhạc cụ tưởng chừng như đã vùi lấp trong quá khứ xa xưa. Ông chính là nghệ nhân Hồ Văn Thập – người vừa bước sang tuổi 50.
Nghe lời tương truyền về bộ đàn đá 12 viên của người Xê Đăng mà mỗi lần tấu lên dân làng sẽ tụ hội, nghệ nhân Hồ Văn Thập đã lội hết các con suối ở núi Ngọc Linh để tìm những phiến đá về làm đàn. Năm này qua năm khác, bằng khả năng thẩm âm đặc biệt, trong hàng ngàn phiến đá, Hồ Văn Thập lựa chọn được 12 viên đá có âm thanh phù hợp chế tác thành bộ đàn đá – bộ nhạc cụ cổ đã bị thất truyền từ rất lâu.
Hai năm nay, tranh thủ lúc nông nhàn, nghệ nhân Hồ Văn Thập về Trung tâm huyện Nam Trà My để chế tác bộ nhạc cụ mới. Tại sân ủy ban huyện, ông đang chế tác một dàn nhạc cụ dân tộc kết hợp giữa đá – nước và ống nứa rừng. Bộ nhạc cụ này, xưa kia, đồng bào các dân tộc ít người ở Trường Sơn và Tây Nguyên đùng để đuổi chim thú để bảo vệ mùa màng, giờ thì đã mai một. Các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao những bộ nhạc cụ mà nghệ nhân Hồ Văn Thập đã chế tác và đã được đưa đi trình diễn nhiều nơi trong nước.
Cuộc sống người dân vùng núi cao vốn khó khăn. Gia đình nghệ nhân Hồ Văn Thập cũng không ngoại lệ. Dẫu nghèo khó về vật chất nhưng bù lại, bà con nơi đây rất giàu có về tinh thần. Không điện, không đài, đêm ở làng, tiếng đàn đá, tiếng đàn gon như xua tan cái không gian cô quạnh của miền núi thẳm trên nóc nhà Trường Sơn.