Trong các đợt thiên tai năm 2017 vừa qua, vành đai rừng ngập mặn trải dài 15 km dọc ven biển và vùng ven phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy tác dụng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, hạ tầng ven phá.
Được biết Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 110 tỷ đồng cho dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, đầm phá từ năm 2015 đến năm 2020, với tổng diện tích trồng mới là 290 ha, trong đó có 160 ha ngập mặn và 130 ha ngập ngọt. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 50 ha rừng ven biển và đầm phá. Dự kiến trong năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ trồng mới gần 60 ha trên địa bàn các huyện như: Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà,..
Rừng ngập mặn được ví như một tấm bình phong bảo vệ cho cộng đồng trước tác động thiên tai, đóng vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng dễ bị xói lở. Nếu diện tích rừng ngập mặn được phủ xanh, những khu vực ven biển, đầm phá sẽ trở thành những bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp người nuôi trồng thủy sản có thể phát triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững.