TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Thừa Thiên Huế quy hoạch nghĩa trang và khuyến khích hỏa táng

Mỹ Nga, Quốc Phương, Trung ThànhCập nhật 16:14 ngày 26/01/2024

VTV.vn - Tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chủ trương di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ tự phát vào khu vực nghĩa trang tập trung theo quy hoạch, đồng thời vận động người dân hỏa táng.

Những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, cuộc sống khấm khá, các gia đình ở nhiều địa phương tại Thừa Thiên Huế đua nhau chi tiền xây mộ to, mộ đẹp, hoặc mua đất xí phần xây dựng nghĩa trang dòng họ. Đây vừa là một nét tốt đẹp trong văn hóa của người Việt, nhưng cũng là một vấn đề xã hội khi nhìn từ vấn đề quy hoạch nghĩa trang.

Thừa Thiên Huế hiện có khoảng hơn 9.500 ha đất nghĩa trang. Đây là con số đặc biệt lớn so với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Dù hiện nay nhiều địa phương đã có chủ trương quy hoạch riêng biệt vùng chôn cất, mai táng nhưng trên thực tế nghĩa trang tự phát vẫn còn rất phổ biến, thực trạng người chết "nằm" cạnh người sống hiện diện ở nhiều khu dân cư.

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bắt đầu kêu gọi xã hội hóa đầu tư thực hiện các dự án công viên nghĩa trang, trong đó có bố trí quỹ đất xây dựng các cơ sở hỏa táng như Công viên Vĩnh hằng Vườn địa đàng Huế (tại phường Thủy Dương và xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) với quy mô khoảng 26ha; Hương An Viên (ở phường Hương An, thị xã Hương Trà) quy mô khoảng 48ha. Sự ra đời của các dự án này sẽ góp phần phục vụ tốt nhất cho người dân trong việc mai táng, xây dựng lăng mộ, đảm bảo môi trường, cảnh quan.

Tại Thừa Thiên Huế, công nghệ hỏa táng chỉ mới được áp dụng vào cuối năm 2022 tại cơ sở Phúc Lạc Viên nằm trong khu vực Nghĩa trang Nhân dân phía Nam, do Công ty Cổ phần Hợp Lực đầu tư với 2 lò hỏa táng/6 lò theo quy hoạch. Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở này thực hiện được gần 150 ca hoả táng.

Theo chính sách mới ban hành, từ nay đến năm 2030 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ chi phí hỏa táng từ 3,5 đến 6,5 triệu đồng đối với các trường hợp theo danh mục được quy định. Trong đó người chết không xác định được nhân thân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí. Với chính sách mới này, tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng chôn cất thiếu kiểm soát, góp phần tiết kiệm quỹ đất và hướng đến bảo vệ môi trường.

Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Theo quy định, những thành phố lớn phải có tỷ lệ người dân sử dụng hình thức hỏa táng sau khi mất chiếm khoảng 30%. Đây là tiêu chí khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam ngày càng phổ biến việc hỏa táng cho người mất. Đây là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo môi trường vừa không lãng phí tiền bạc, nguồn đất đai. Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề mai táng, xây dựng lăng mộ thì công tác quy hoạch, quản lý sau quy hoạch và công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong xây dựng lăng mộ cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Điều này cũng góp phần làm cho những tồn tại liên quan đến đất nghĩa trang không còn trở thành trở lực trong phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư của nhiều địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.