Sâm Ngọc Linh vốn được mệnh danh là "quốc bảo của Việt Nam", bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cây dược liệu quý hiếm này còn tạo ra giá trị kinh tế rất cao. Vì vậy, việc phát triển, trồng sâm Ngọc Linh ở những vùng có thổ nhưỡng phù hợp đã được nhiều địa phương đặc biệt chú trọng. Việc này không những góp phần nâng cao hơn nữa giá trị của dược liệu quý mà còn tạo điều kiện để người dân có cơ hội thoát nghèo.
Khu rừng già trên Núi Ngọc Thiên có độ cao hơn 1.500 mét được bà con Ca Dong gìn giữ từ nhiều đời nay đã trở thành vùng trồng sâm Ngọc Linh của hơn 400 hộ dân xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Những ngày đầu mang sâm lên đây, chính quyền xã đã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con. Nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng, lại được chăm sóc cẩn thận, qua 4 năm thí điểm. những lứa sâm đầu tiên đã phát triển rất tốt, không khác gì ở vùng sâm gốc xã Trà Linh.
Với hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh hiện có, xã Trà Tập hứa hẹn sẽ là một trong những vùng trọng điểm về phát triển cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch 16 nghìn hecta trong chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Thành công bước đầu trong việc mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh là tiền đề quan trọng để các địa phương trên núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích. Việc này là hết sức cần thiết, bởi không chỉ giúp hàng chục hàng ngàn hộ đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững, mà cùng với việc xây dựng quy trình chế biến sâu nhiều sản phẩm đặc hữu, trong thời gian đến sâm Ngọc Linh được kỳ vọng sẽ thực sự trở thành thương hiệu mạnh của quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!