TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Tây Nguyên nỗ lực giảm nghèo bền vững

Ngọc Thuý, Đức Hiếu, Quang Hưng, Hoàng TuyềnCập nhật 13:42 ngày 03/01/2024

VTV.vn - Theo tinh thần của nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, trong năm 2023, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đẩy mạnh các mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được kết quả khả quan.

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tạo cho khu vực này cơ hội phát triển lớn, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức. Trong đó có mục tiêu giảm nghèo, bởi dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, số hộ nghèo ở khu vực này vẫn khá cao so với các khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Nhưng, với quyết tâm phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, theo tinh thần của nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, trong năm 2023, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đẩy mạnh các mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được kết quả khả quan.

Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai hơn 20 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Nguyên vay vốn, với tổng dư nợ đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2022; giai đoạn 2021-2025, các tỉnh Tây Nguyên được Trung ương giao hơn 11.700 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Những nguồn lực này đã giúp Tây Nguyên tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững.

Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây nguyên có tiếng nói, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Thông qua đó đồng bào có thêm niềm tin, động lực để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước mà chung sức đồng lòng xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Giai đoạn 2022-2025 áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, cùng với hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và ý chí nỗ lực của đồng bào các dân tộc, năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều vùng Tây Nguyên giảm đáng kể. Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên là cách mà các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa hiện đang là hướng đi được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, nhằm cụ thể hóa các nội dung theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về Phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030; tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu đề ra là phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch, sản phẩm du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Đánh thức tiềm năng du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có về thiên nhiên và văn hóa, chính quyền cùng người dân cũng đã mạnh dạn tạo ra những sản phẩm du lịch mới từ đặc trưng văn hóa cộng đồng, bắt kịp xu hướng và thị hiếu của du khách. Các buôn du lịch cộng đồng phục vụ du khách cùng ăn, cùng ở, cùng làm đã - đang hình thành và phát triển không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn đánh thức, bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa vùng Tây Nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Kiên quyết chống hàng giả, hàng kém chất lượng

VTV.vn- Thời điểm giáp Tết, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà vẫn diễn biến phức tạp.