Dạy học tại các huyện miền núi luôn gắn liền với nhiều vất vả, khó khăn. Nhất là lại gắn bó với các điểm trường lẻ trên miền biên viễn.
Tiền Phong chưa phải là xã xa nhất của Quế Phong nhưng việc dạy học của giáo viên tiểu học, mầm non cắm bản tại Na Sành thì lại vô cùng khó khăn, vất vả.
Không đường ô tô, không điện, không intenet và điện thoại cũng không liên lạc được, cô Nguyễn Thu Hà trường tiểu học Tiền Phong 4 đã không kịp gặp bố mình lần cuối.
Dạy học ở vùng khó nên các giáo viên cắm bản ở Na Sành càng phải cần mẫn, sáng tạo. Những ngôi nhà sàn, nhà rông, những công viên và nhiều đồ chơi cho trẻ được cô Hà và cô Nga điểm trường Mầm non Na Sành tận dụng tre nứa trong rừng, đá cuội dưới suối để làm. Đến cả không gian xanh cho trẻ cũng phải là loại cây chịu được sự khô cằn, khắc nghiệt của thời tiết trên đỉnh Sắn Đô này.
Đường vào điểm trường ghồ ghề, trơn trượt, đến nước sinh hoạt các cô cũng phải chắt chiu từng giọt. Nhưng đó chưa phải là khó khăn nhất với giáo viên cắm bản. Khó nhất với các thầy cô là vận động học sinh không bỏ học.
Cô Lê Thị Hạnh là 1 trong 2 giáo viên vừa được vinh danh giáo viên tiêu biểu toàn quốc. Phần thưởng cô đạt được không chỉ vì cô là giáo viên giỏi cấp Tỉnh đầu tiên của trường mà bởi gần 20 năm dạy học cô kiên trì bám lớp, bám bản để duy trì sĩ số và học sinh luôn hứng thú với giờ học.
Học sinh không có sách vở, áo quần thầy cô vận động, đóng góp. Học trò vùng cao vốn nhút nhát, rụt rè, nay quấn quýt bên cô. Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ để cô Hạnh, cô Hà, cô Nga và nhiều giáo viên cắm bản có thêm động lực để gắn bó với học trò, với bản làng vùng cao này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!