Nhìn lại 2 năm vừa qua, từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cường độ làm việc của mỗi nhân viên y tế phải tăng gấp ba, gấp bốn lần so với trước. Làm việc không chỉ hết giờ hành chính mà xong việc mới nghỉ, kể cả làm ban đêm, hỗ trợ cho các địa phương khác phòng chống dịch, nhất là thời điểm truy vết, điều tra dịch tễ hay điều trị F0 tại nhà. Nhưng đến nay chế độ phụ cấp có nơi vẫn chưa được thanh toán. Mức lương hiện tại lại quá thấp trước áp lực công việc và nhiều gánh nặng khác trong cuộc sống.
Ngoài vấn đề thù lao không tương xứng, nhiều yếu tố khác khiến khu vực y tế công lập không đủ sức giữ chân nguồn nhân lực. Chẳng hạn như cơ sở vật chất thiếu thốn. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy, bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Điều này khác biệt rõ so với bệnh viện tư. Mặc khác, làm ở khu vực y tế công, không chỉ đối mặt với áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao khiến các bác sĩ, nhân viên y tế đối mặt nhiều áp lực, cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.
Với dân số lên tới hàng triệu người, từ nay đến năm 2025, ngành y tế mỗi tỉnh thành cần đến hàng ngàn bác sĩ mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Lời giải cho bài toán nhân lực, giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế trước làn sóng thôi việc, bỏ nghề không thể trông chờ vào những hô hào khẩu hiệu nâng cao năng lực y tế cơ sở, mà cần các cơ quan chủ quản đánh giá toàn diện, sâu sát với thực tế, thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ đó mới tìm ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!