Từ năm học 2016 Chính phủ ban hành Nghị định 116 về việc hỗ trợ gạo bằng 40% mức lương cơ bản cho học sinh tại các vùng đặc biệt khó khăn. Với khoản hỗ trợ này, học sinh dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa được ăn ở, sinh hoạt và học tập trung tại các trường bán trú.
Nghị định 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn đã góp phần tích cực trong việc duy trì sĩ số cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông nơi vùng sâu của tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022 này, tại nhiều xã - sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn rất nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách này. Điều đó đã gây áp lực không nhỏ đối với các trường phổ thông trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số.
Việc dừng hỗ trợ đối với các em tại các địa bàn ra ngoài diện đặc biệt khó khăn không chỉ ảnh hưởng đối với những đối tượng đang thụ hưởng mà còn ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số học sinh đến lớp.
Theo thống kê, năm học này huyện Kbang có đến 558 học sinh, trong đó phần lớn là học sinh các trường bán trú không còn nhận gạo hỗ trợ. Chính sách là vậy, song trên thực tế, nhiều thôn, buôn tuy không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn nhưng đời sống, thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều, việc tự trang trải chi phí ăn học cho con em trở nên quá sức với không ít gia đình.
Trước những khó khăn trước mắt, Huyện cũng đã đề xuất, kiến nghị lên cấp trên tạo nguồn kinh phí hợp lý để đảm bảo cho việc dạy và học của các em. Đồng thời huyện cũng nghiên cứu hỗ trợ các nguồn để đảm bảo đời sống trong thời gian tới.
Trở lại xã Krong, địa phương này đã hoàn thành 18/19 tiêu chí Nông thôn mới; theo quy định, gần 150 học sinh của xã không còn được nhận hỗ trợ gạo để theo học các lớp bán trú, trong đó có gần 20 em đang học lớp 9. Việc ngưng hỗ trợ này khiến cho nguy cơ bỏ học vẫn luôn ở mức cao nếu không có những chính sách điều chỉnh kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!