Là một cơ sở khang trang, bề thế và nằm ở một vị trí đắc địa, nhưng mỗi năm, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 1 đến 2 lớp dạy nghề. Cũng nằm trong hoàn cảnh như vậy, mặc dù là địa bàn cửa ngỏ phía Nam, địa bàn giáp ranh với các tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Đạ Huoai cũng không liên kết và thu hút được học viên học nghề như mong muốn.
Theo thống kê, hiện nay các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Trong đó, có 10 trường ở các huyện; 2 trường ở thành phố Đà Lạt và thành phố Bảo Lộc. Nhưng thực tế chỉ thu hút và đào tạo được một số ít học viên theo học ở một số ngành nghề đặc thù như: sửa chửa máy móc nông nghiệp; lái xe; chăm sóc cây trồng và chăn nuôi. Khó khăn lớn nhất ở đây là hầu hết các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên gần như không có cơ sở lưu trú, đa phần học viên lại ở địa bàn vùng sâu vùng xa nên dẫn đến tình trạng không thu hút được học viên. Mặt khác, kinh phí hoạt động hạn chế, đội ngũ giáo viên không đủ để xuống cơ sở dạy nghề cho người lao động.
Giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo điều kiện giúp người dân vùng sâu vùng xa có công văn việc làm ổn định, tạo điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhưng thực tế cho thấy, việc đầu tư các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xem ra chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, điều này cũng đang gây ra lãng phí nguồn ngân sách cho chương trình này.