Những năm gần đây, hệ sinh thái rừng tại nước ta bị suy giảm do biến đổi khí hậu, và do phá rừng. Để khôi phục lại những cánh rừng đã bị mất, vài năm gần đây, người dân sống dựa vào rừng và những bạn trẻ yêu thiên nhiên ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang tiếp cận với một phương pháp canh tác mới, đó là bom hạt giống.
Bom hạt giống là một khái niệm có lẽ còn khá mới mẻ với nhiều người, nhưng đã được thực hiện cũng khoảng 5-6 năm trở lại đây ở Việt Nam. Đây là một ý tưởng sáng tạo của người dân Ấn Độ để khôi phục những khu đất bị sa mạc hóa, đất trống, đồi trọc, trảng cỏ và trồng mới những cánh rừng bị chặt phá.
Đất sét, phân bò, tro đốt hoặc rơm được ủ lên men tự nhiên khoảng 2 tháng để tạo nên những vi sinh vật có ích. Sau đó trộn tất cả thành một hỗn hợp hữu cơ rồi cho các hạt giống khác nhau (bồ hòn, kơ nia, sâm, óc chó…) vào bên trong, vo thành hình tròn tạo nên những quả bom hạt giống.
Địa bàn huyện Lăk là điểm nóng của nạn phá rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với quy mô rừng bị mất rất lớn. Chỉ riêng trong tháng 4 năm nay, có ít nhất 100 ha rừng ở huyện này bị đốt, phá để lấn chiếm đất rừng. Và những quả bom hạt giống này là giải pháp để khôi phục lại.
Giá mỗi quả bom hạt giống chỉ khoảng 500 đồng, nhưng đã giúp tái sinh những cánh rừng một cách tự nhiên. Do được đất bao bọc bên ngoài, hạt giống không bị côn trùng ăn, tỷ lệ nảy mầm rất cao.
Tại Đắk Lắk, nhóm tình nguyện làm bom hạt giống mỗi năm thực hiện khoảng 10 chương trình đến các buôn làng tuyên truyền, cùng hướng dẫn bà con làm bom hạt giống. Nhóm cũng đã tạo một ngân hàng hạt giống và kết nối với lực lượng kiểm lâm khi đi tuần tra sẽ đưa người dân những quả bom hạt giống về trồng ở khu đất của mình, do vậy rừng sẽ được phục hồi ở khắp mọi nơi.
Sau khoảng 3-5 năm rải bom hạt giống, những khu đất trống đồi trọc sẽ trở thành những hệ sinh thái rừng đa tầng tán mới, chống xói mòn sạt lở,..
Mô hình làm bom hạt giống tái sinh rừng hiện đang được nhân rộng ở khắp các tỉnh miền Trung - Tây nguyên như Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Trị,v.v…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!