Xác định việc thu hút đầu tư giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến việc khơi thông nguồn lực đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó, tình hình kinh tế thành phố có nhiều điểm sáng, khẳng định là trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung.
Hơn nửa chặng đường năm 2024, kinh tế thành phố Đà Nẵng chứng kiến sự phục hồi ấn tượng, khi các lĩnh vực trọng yếu đều tăng trưởng. Đáng chú ý, hoạt động thu hút đầu tư tại Thành phố diễn ra khá sôi động, với hàng loạt dự án được doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Tại sự kiện Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác và ghi nhớ hợp tác với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trong đó có Công ty TNHH Synopsys International, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã ký kết các hợp tác với Công ty TNHH Synopsys International và Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico, Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam, Công ty TNHH FPT IS.
Có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao môi trường và tiềm năng đầu tư tại Đà Nẵng. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư lớn của doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đưa Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn qua.
Theo số liệu từ Sở kế hoạch và đầu tư Đà Nẵng, luỹ kế đến cuối tháng 10/2024, Đà Nẵng có tổng cộng 380 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, với tổng vốn đầu tư gần 225.000 tỷ đồng và 399 dự án trong nước trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu CNTT với vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng, hơn 1.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 4,35 tỷ USD.
Hiện nay, Đà Nẵng tiếp tục thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, kinh tế số, trung tâm tài chính. Để đón nhà đầu tư chiến lược, Đà Nẵng đã đầu tư hạ tầng sân bay, cảng biển, cảng cạn, các tuyến đường bộ, cao tốc kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, phần cơ sở hạ tầng dùng chung tại Cảng Liên Chiểu đang được gấp rút xây dựng.
Có thể nói, việc được phép triển khai những chính sách đặc thù, vượt trội, sẽ giúp Đà Nẵng đón nhận một làn sóng đầu tư mới từ nhà đầu tư chiến lược, kỳ vọng tạo động lực đưa thành phố này vươn lên tầm cao mới.
Việc kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn đã tạo nền tảng quan trọng đưa Đà Nẵng phát triển và sẽ tiếp tục trở thành động lực giúp Thành phố hút thêm dòng vốn đầu tư mới, trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Quyết sách quan trọng này trao cho Đà Nẵng nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội, tác động rộng lớn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, Đà sẽ hướng đến các nhà đầu tư chiến lược.
Thời gian qua, Đà Nẵng tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của thành phố về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh việc tiếp tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu, Thành phố Đà Nẵng sẽ đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư, đồng thời, tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, cũng như tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng và kết nối các nguồn lực quốc tế.
Trong chiến lược phát triển của mình, thành phố Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 05 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố; việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là một lĩnh vực có sự ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn.
Đà Nẵng đặt mục tiêu tới 2030 phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Ngoài việc sở hữu vị trí chiến lược, kết cấu hạ tầng hiện đại, TP. Đà Nẵng còn tạo lập được môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nên Đà Nẵng luôn thuộc nhóm đầu cả nước về Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Đây được xem là bí quyết thành công trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng, trong đó nổi bật là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nhằm đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của thành phố đầu tàu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!