TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng khai thông nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế

Hồ Chiến, Trọng HoàngCập nhật 16:01 ngày 01/11/2024

VTV.vn-Diện tích đô thị Đà Nẵng chỉ có 18 ngàn héc ta nhưng ngay tại vùng lõi của Trung tâm thành phố có đến 4 dự án, tổng diện tích gần cả chục héc ta đất bỏ hoang hơn 15 năm nay.

Đất đai là tài nguyên, là tài sản và cũng là nguồn lực quý của quốc gia. Ở các đô thị lớn, vị trí sinh lợi cao, tấc đất được ví như tấc vàng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, tình trạng lãng phí đất vàng tại các đô thị lớn diễn ra tràn lan. Bởi nhiều khu đất có diện tích rộng hàng trăm héc ta đã được quy hoạch, triển khai dự án nhưng rồi bỏ hoang, gây bức xúc trong nhân dân. Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, thế nhưng hàng ngàn dự án bị bỏ dở hàng chục năm qua. Nguyên nhân chính là do các dự án vướng 4 Kết luận Thanh tra của Chính phủ và 3 bản án của tòa án. Dự án đứng bánh, đất đai bỏ hoang gây ra điểm nghẽn về kinh tế cho thành phố này.

Đà Nẵng được biết đến là đô thị động lực, thành phố đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Trước đây, nguồn thu từ đất đai và các dịch vụ có liên quan luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, do mua bán chuyển nhượng trái quy định, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại 4 kết luận, trong đó kết luận 2852 năm 2012 và liên tiếp 3 bản án của tòa, trong đó có vụ án liên quan đến Phạm Công Danh và Phan Văn Anh Vũ. Do vướng pháp lý mà hiện nay, hàng ngàn héc ta đất dự án bỏ hoang, gây ra lãng phí vô cùng lớn.

Ngoài 3 bản án, 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó Kết luận 2852 - năm 2012 đã chỉ nhiều sai phạm liên quan đến các dự án tại Đà Nẵng, tổng số tiền cần thu hồi lên đến 1846 tỷ đồng. Không chỉ các dự án được nêu trong Kết luận Thanh tra mà dự án tương tự cũng chịu sự chung số phận. Hiện nay, có hơn 1200 dự án đang vướng pháp lý nằm bất động cả chục năm nay. Vậy là hàng ngày, cả triệu mét vuông đất vàng không thể đưa vào khai thác, lãng phí chồng lên lãng phí.

Sau khi có các Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng như các bản án của tòa, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để khắc phục sai phạm và thi hành bản án. Tuy nhiên, số tiền thu được từ các dự án nằm trong các kết luận Thanh tra Chính phủ, nhất là kết luận 2852 không được bao nhiêu. Muốn tháo gỡ tận gốc của điểm nghẽn đất đai của Đà Nẵng và các địa phương hiện nay cần có chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Chính trị, sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội.

Khi các kết luận Thanh tra Chính phủ và quyết định của tòa án, thành phố Đà Nẵng đã thành lập 2 tổ công tác do 2 phó chủ tịch phụ trách để tháo gỡ vướng mắc nhưng chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong số 1200 dự án bị vướng mắc. Các dự án lớn tại các khu đất vàng từng là đất công sản chậm triển khai hàng chục năm không thể thu hồi theo quy định. Tình trạng dự án trên đất vàng bỏ hoang là sự quan tâm của người dân và báo chí.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương thường xuyên làm việc với chính quyền thành phố Đà Nẵng để tìm hướng tháo gỡ vướng mắc. Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77 về thực hiện Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố". Đây là những chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Chính phủ, Quốc hội và chính quyền Đà Nẵng đưa ra các quyết sách nhằm khơi thông nguồn lực đất đai.

Trong khi chờ Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách để tháo gỡ vướng mắc, hiện nay, thành phố Đà Nẵng tập trung vào 5 nội dung thuộc trách nhiệm của địa phương này. Theo đó, truy thu nghĩa vụ tài chính đối với các khoản thất thu được nêu trong kết luận thanh tra trước đây. Xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng; xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất.

Những sai phạm liên quan đến đất đai đối với thành phố Đà Nẵng và một số địa phương đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố, tòa án đã xét xử. Các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng đã bị xử lý trách nhiệm. Vấn đề còn lại là những tài sản vướng pháp lý chưa thể xử lý được dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai và tài sản gắn liền trên đất. Vướng mắc này đã được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội nhận diện và sẽ có hướng tháo gỡ nhằm khai thông nguồn lực đất đai, sớm đưa đất đai vào sử dụng. Và đây cũng là mong muốn của chính quyền, nhân dân tại nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Khắc phục sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan

VTV.vn - Đơn vị quản lý đường bộ đã đưa máy móc thu dọn đất đá, khắc phục sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan đoạn qua Đà Nẵng nhằm đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.