TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chính thức bị tạm dừng thu phí từ 12/10

TTXVNCập nhật 15:33 ngày 11/10/2018

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa chính thức ký quyết định tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ ngày thứ sáu 12/10.

Liên quan đến hiện tượng hư hỏng cục bộ trên đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đang xảy ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa chính thức ký công điện tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ ngày thứ sáu 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng; báo cáo Bộ sau khắc phục để kiểm tra, trước khi cho thu phí trở lại.

Vừa qua, tại tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngâi đoạn sử dụng vốn JICA (Km0-Km65) xuất hiện một số vị trí mặt đường bêtông nhựa bị rạn nứt, tạo ổ gà việc sữa chữa khắc phục không kịp thời trong khi các phương tiện tham gia giao thông lưu thông với tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, coi thường tính mạng con người.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng, việc sửa chữa tạm thời chỉ thực hiện sau khi dư luận, báo chí lên tiếng; việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm gây dư luận xã hội không tốt.

Để khắc phục triệt để tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển dường cao tốc Việt Nam (VEC) với vai trò lãnh đạo của chủ đầu tư dự án nhưng chậm trễ trong việc xử lý các hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt.

Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chính thức bị tạm dừng thu phí từ 12/10 - Ảnh 1.
Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi chính thức bị tạm dừng thu phí từ 12/10 - Ảnh 2.

Bộ trưởng yêu cầu Hội đồng thành viên chỉ đạo rà soát, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung nêu trên.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VEC tạm dừng thu phí trên toàn tuyến từ 0 giờ 00 ngày thứ sáu 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng; báo cáo Bộ sau khắc phục để kiểm tra, trước khi cho thu phí trở lại.

VEC chỉ đạo các nhà thầu, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát thực hiện trách nhiệm liên quan theo quy định của hợp đồng, khẩn trương triển khai thực hiện công tác sửa chữa triệt để các hư hỏng mặt đường. Trong quá trình sửa chữa, VEC phải tổ chức giao thông, phân làn... đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Ngoài ra, VEC thường xuyên theo dõi tình trạng mặt đường và các công trình phụ trợ để chỉ đạo các đơn vị nhà thầu, tư vấn khắc phục kịp thời trong suốt quá trình bảo hành, khai thác công trình, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiểm tra sát sao việc thực hiện của chủ đầu tư, xử lý triệt để các hư hỏng đảm bảo chất lượng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi trong thời gian vận hành tiếp theo, chỉ đạo việc thực hiện của VEC, trường hợp VEC không chi đạo các nhà thầu sửa chữa kịp thời các hư hỏng mặt đường (nếu có), Tổng cục Đường bộ kiến nghị để Bộ quyết định dừng việc thu phí tại dự án.

Trước đó, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, nguyên nhân gây bong tróc, ổ gà trên tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi không phải do thời tiết như công bố của Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi mà do lỗi trong quá trình thi công.

Được biết, sau khi thông xe toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (tháng 9/2018), lượng phương tiện lưu thông tăng cao đạt trên dưới 6.000 phương tiện/ngày tăng gấp 4-5 lần so với thời điểm thông xe đoạn JICA.

Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và hai làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1).

Tốc độ thiết kế 120km/giờ (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/giờ). Dự án được chia làm 13 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. Ngày 2/9, tuyến cao tốc này chính thức thông xe.

Hàng trăm công trình cấp nước miền núi hư hỏng, lãng phí

VTV.vn- Tại 11 huyện miền núi của Tahnh Hóa có 554 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó có 189 công trình cấp nước bị hư hỏng hoàn toàn, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.