Giảm giá đến 88 dịch vụ y tế, trong đó có nhiều dịch vụ có mức sử dụng lớn như giá khám bệnh, giường bệnh, giá dịch vụ chụp X- Quang...đã khiến nhiều người dân cảm thấy phấn khởi. Tuy nhiên, thông tư 15 lại quy định, mỗi ngày một bác sĩ ở mỗi bàn khám chỉ được tiếp nhận tối đa 65 bệnh nhân, nếu khám vượt số lượt quy định thì trong 3 tháng đầu chỉ được thanh toán 50% bảo hiểm y tế, những tháng tiếp theo sẽ không được thanh toán. Khi đến Bệnh nhân số 66, khoa điều chuyển sang chuyên khoa tương tự để khám, đối với những bệnh chuyên sâu không thể điều chuyển như: tim mạch, bướu cổ…vẫn phải tiếp nhận.
Thực tế cho thấy việc quy định cứng 65 bệnh nhân/bác sĩ/bàn khám đang gây khó khăn rất nhiều cho các cơ sở y tế. Bởi số lượng bệnh nhân thay đổi theo ngày, theo mùa và theo từng loại bệnh. Theo thống kê tại các bệnh viện lớn trên toàn tỉnh, hiện tại các bàn khám ngoại tổng quát, nội tim mạch, chấn thương chỉnh hình, luôn trên 65 bệnh nhân mỗi ngày. Ngoài ra, các bàn khám nhi, mắt...số bệnh nhân thay đổi theo mùa. Cùng với đó các quy định về cận lâm sàng như 1 máy siêu âm chỉ được phép thực hiện tối đa 48 ca/ngày, máy X-quang là 58 ca, máy CT là 29 ca, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) chỉ 19 ca theo quy định của Bộ Y tế cũng được cho là không hợp lý. Bởi bệnh viện không thể biết trước được mỗi ngày có bao nhiêu ca thực hiện các cận lâm sàng.
Hiện tại Thông tư 15 của Bộ Y tế đang bộc lộ rất nhiều bất cập, trong bối cảnh rất nhiều bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính thì việc quy định cứng mức khám và các thủ thuật cận lâm sàng đã làm sụt giảm nguồn thu trầm trọng. Về lâu dài, nếu như các bệnh viện không thể cân đối được thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã làm tờ trình gửi Bộ Y tế điều chỉnh cách tính định mức theo hướng tính bình quân các bàn khám, các cận lâm sàng để có thể áp dụng linh hoạt trong thực tế.