Đảng đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời xác định phát triển văn hóa đồng bộ và hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là định hướng căn bản của quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gần đây, song hành với phát triển kinh tế, các đề án, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa cũng được một số địa phương đặc biệt quan tâm.
Điển hình như thành phố Hải Phòng đã ban hành đề án tổng thể phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch hướng đến năm 2030, xác định tập trung xây dựng nền văn hóa tiên tiến, mang đặc trưng văn hóa Hải Phòng có vị trí xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam và hội nhập văn hóa quốc tế, đảm bảo tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu đạt 2% tổng mức chi ngân sách hàng năm.
Những địa phương có nguồn ngân sách dồi dào, có khả năng huy động nguồn vốn xã hội hóa tốt như Hải Phòng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những địa phương khác không thể đầu tư cho văn hóa. Vấn đề cốt lõi nằm ở quan điểm và tầm nhìn của người đứng đầu, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa. Địa phương có thể còn nghèo, nguồn ngân sách hạn chế nhưng nếu thực sự thiết tha với văn hóa, coi trọng sự phát triển của văn hóa thì vẫn có những cách làm sáng tạo.
Những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam, văn hóa và con người Việt được xem là ngọn hải đăng soi đường cho đất nước trong thời kỳ mới. Vào tháng 11/2021, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức. Bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa với sự phát triển đất nước, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, đồng thời khẳng định quyết tâm chấn hưng văn hóa của Đảng ta.
Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì Hội thảo quốc gia về Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và là con người Việt Nam mới. Sau đó, hàng chục hội nghị, hội thảo cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại nhiều địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đang được Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự phát triển bứt phá, từng bước thực hiện mục tiêu chấn hưng văn hóa như tinh thần của Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đặt ra.
"Từ câu chuyện có sự chuyển động về nhận thức nên sự quan tâm, đầu tư của địa phương, xã hội cũng gia tăng, đặc biệt là sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp phát triển văn hóa cũng tiến triển khả quan. Chúng ta có thể kỳ vọng trong tương lai, với sự quan tâm này, thiết chế văn hóa, hoạt động và sản phẩm văn hóa sẽ phong phú hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân", PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu - Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!