Phát triển văn hóa truyền thống để thanh âm vang mãi ngàn năm

PV-Thứ hai, ngày 16/01/2023 14:02 GMT+7

VTV.vn - Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những câu dân ca lại được vang lên nhiều hơn.

Dịp Tết là ngày để mỗi người dù bận đến mấy cũng quay về cội nguồn tổ tiên, nhớ về những ký ức êm đềm và văn hoá truyền thống vốn là gốc rễ trong hành trang ứng xử của mỗi người. Tháng giêng cũng là dịp của những ngày hội làng. Bởi thế, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những câu dân ca lại được vang lên nhiều hơn. Du khách về Bắc Ninh, mỗi độ Giêng Hai, hẳn sẽ không quên hình ảnh những liền anh áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, hay điệu ví giặm ngày xuân của Hà Tĩnh…. Những giai điệu dân ca vẫn có sức sống bền bỉ trong đời sống của người dân Việt Nam. Mỗi làng quê, thôn bản vẫn có những người đau đáu với việc gìn giữ các giai điệu dân tộc của cha ông.

Trong kho tàng nghệ thuật nước ta, dân ca, dân vũ là loại hình diễn xướng dân gian và gắn liền với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc. Loại hình này được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tín ngưỡng tôn giáo và cả các sinh hoạt cộng đồng.

Điều thú vị là mỗi khu vực, vùng, miền lại mang bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt. Theo dòng chảy của thời gian cùng sự sáng tạo, tài hoa của các nghệ nhân dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có thời điểm, âm nhạc truyền thống bị lấn át bởi nhiều dòng nhạc khác, vì vậy đặt ra vấn đề cần có giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này.

"Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư có nói rằng văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Đó chình là lý do tại sao trong quá trình hội nhập, chúng ta mong muốn giữ được bản lĩnh và sự tự tin văn hóa, để từ đó hội nhập tốt hơn với dòng chảy văn hóa thế giới và tạo ra sức mạnh dân tộc", ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ.

Những người trẻ đang là nhân tố quan trọng trong việc lan tỏa văn hóa dân tộc đến giới trẻ. Bởi với người trẻ, họ vẫn cảm thấy nghệ thuật âm nhạc dân tộc chưa thực sự hấp dẫn, đôi lúc khó cảm thụ... Vì thế không dễ để nhạc dân tộc chính phục khán giả trẻ.

Tuy nhiên, một tín hiệu vui là ngày càng có nhiều người trẻ, quan tâm và tìm cách đem lại sức sống mới cho âm nhạc dân tộc. Để nghệ thuật truyền thống không bị quên lãng, nhiều nghệ sĩ cũng như các bạn trẻ đang chung tay triển khai những dự án trên nền tảng số, góp phần tạo sức hấp dẫn cho văn hóa xưa, hoặc thông qua nghệ thuật đương đại và âm nhạc thể nghiệm với cách tiếp cận hấp dẫn, sinh động hơn cho âm nhạc dân tộc

Đời sống vận động, nghệ thuật cũng vận động theo. Một bộ phận giới trẻ ngày nay đã thực sự ý thức được sứ mệnh trong việc tiếp tục bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống. Dưới cách tiếp cận của một thế hệ trẻ đầy tâm huyết, âm nhạc truyền thống không chỉ sống lại với đầy đủ tinh hoa vốn có, mà chẳng hề cũ kỹ theo thời gian. Tuy nhiên, dù là người trẻ hay bất kỳ ai cũng cần phân định rõ ranh giới giữa việc bảo tồn cổ truyền và sáng tạo cái mới, để không làm mất đi những giá trị văn hóa gốc, cốt lõi của di sản, để tình yêu âm nhạc truyền thống được lan toả và để những thanh âm còn vang mãi ngàn năm.

Làm mới nghệ thuật truyền thống: Hội tụ kiến thức, sự sáng tạo, cái tâm và khả năng huy động nguồn ngân sách Làm mới nghệ thuật truyền thống: Hội tụ kiến thức, sự sáng tạo, cái tâm và khả năng huy động nguồn ngân sách

VTV.vn - Để dự án thành công đó là khi có đủ các yếu tố kiến thức, sự sáng tạo, cái tâm với nghệ thuật truyền thống và khả năng huy động nguồn ngân sách để hiện thực hóa ý tưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước