Chuyển biến đầu tư văn hóa: Nâng mức chi ngân sách kết hợp thay đổi nhận thức cộng đồng

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 21/10/2023 14:16 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, nhiều địa phương đã nâng cao mức đầu tư cho văn hóa, đồng thời tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của văn hóa.

Ở trong giai đoạn 2015 - 2020, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở mức thấp, thậm chí chưa tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Đến nay, điều này đã có sự thay đổi. Thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhiều địa phương ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư cho văn hóa.

Với mục tiêu trở thành thành phố sự kiện, thành phố lễ hội mang tầm vóc quốc tế, Đà Nẵng đang nỗ lực để đầu tư cho văn hóa. Bởi văn hóa đã thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển ổn định. Hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đầu tư cho văn hóa tăng ở hầu hết các địa phương, không riêng tại Đà Nẵng.

Cụ thể, Hà Nội đã dành 14.000 tỷ đồng để tôn tạo, trùng tu di tích giai đoạn 2021 - 2015. Đây là con số lớn nhất từ trước tới nay. Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành chính sách đặc thù cho văn học nghệ thuật, tạo hành lang pháp lý quy định về nội dung chi, mức chi cho giải thưởng cuộc thi, liên hoan nhằm khởi nguồn sáng tạo trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhiều tỉnh thành đã chủ động thiết kế chế độ cho nghệ nhân, điển hình là Bắc Ninh và Phú Thọ. Nhờ đó, các làn điệu truyền thống như hát Xoan hay Quan họ có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng...

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và ngoài cho phát triển văn hóa. Nhiều địa phương còn khó khăn nhưng đã chủ động trong việc huy động từ các nguồn lực xã hội, cộng đồng dân cư. Từ các hoạt động đầu tư này, nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò của văn hóa cũng tăng lên đáng kể.

Đảng đã khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Muốn phát triển bền vững, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Nhiều địa phương đã nâng cao mức đầu tư cho văn hóa, đồng thời tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về vị trí vai trò của văn hóa. Tuy nhiên, cần thêm sự đầu tư tổng thể, bài bản chứ không chỉ là nỗ lực đơn lẻ của từng địa phương. Hiện tại, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cũng đang được các cơ quan chức năng hoàn thiện, mở ra những hy vọng mới cho sự chấn hưng văn hóa trong tầm nhìn 10 năm tới, để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góc nhìn văn hóa: Xây dựng lễ hội âm nhạc thành biểu tượng của địa phương Góc nhìn văn hóa: Xây dựng lễ hội âm nhạc thành biểu tượng của địa phương

VTV.vn - Khi đã tạo dựng được giá trị thương hiệu cho sự kiện, các lễ hội âm nhạc không chỉ là sân chơi cho những người làm nghề mà còn mang lại nhiều giá trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước